Nhụy Nguyên và những tác phẩm của anh. Ảnh: TL

Chỉ trong bài “Lấp lánh dòng chảy truyện ngắn Huế”, dài 20 trang mở đầu tập sách gồm 19 tiết mục, NN không chỉ đã “ôm” được một loạt tác giả từ thế hệ Hồng Nhu, Trần Thùy Mai, Phạm Ngọc Túy… cho đến lớp trẻ mới nổi, như Lê Vũ Trường Giang, Lê Minh Phong… mà còn đưa ra được những nhận định có sức thuyết phục về cả “dòng chảy” và từng tác giả. Ví như sau khi khẳng định thành công của Lê Vũ Trường Giang qua truyện ngắn “Ngủ giữa trùng sơn” và một số truyện khác, NN đã khéo nhắc nhở bạn văn: “Dường như năng lượng đã được dồn tụ rồi bung ra trong giấc ngủ trùng sơn, Giang trôi theo trang viết như trôi trên dòng sông hoa và không còn biết đó là một đám tang, rồi khi sực nhớ để gượng mình trở dậy hầu mong cứu thoát những linh hồn theo hầu mộ huyệt của nhà vua thì tác giả mới biết mình đã tuôn ra quá nhiều năng lượng…”.

Chỗ mạnh kiểu phê bình của NN vẫn là cách “cảm” khá tinh tế về cái đẹp, về sự hướng thiện của tác phẩm, đôi khi như là tùy bút. Có thể tìm thấy điều này trong các bài viết về Hải Trung, Nguyên Quân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Bá Thịnh hay như trong bài “Những bài thơ sót lại bên chiếu rượu”, viết về 4 bài thơ của Phương-xích-lô rớt bên đường mà có lẽ nhiều người chưa biết: “Bốn thi phẩm hiếm hoi anh viết về người lính, về chiến tranh… được viết trên hai tờ giấy luôn đã ố vàng, nằm gọn lỏn trong cái phong bì đã dán tem, đề ngoài địa chỉ gửi là tòa soạn của một tờ tạp chí uy tín ở Hà Nội…”.

Trong tập “Ngôi nhà của cỏ” (NXB Văn học & Công ty TNHH Văn hoá Đông Tây, 2018) gồm 29 tùy bút, chúng ta dễ dàng tìm thấy những vẻ đẹp, những giá trị còn khuất lấp hay đang bị bỏ quên đâu đó; như ngôi nhà ông Vĩnh Cường ở Vỹ Dạ gần một trăm tuổi: “trước đây, từng có phái đoàn của Nhật ở lại một tháng đo đạc chi tiết lên kế hoạch tài trợ trùng tu. Nỗi mừng đến rồi lại đi, như một chữ Hán được đồ lại, lại mờ đi để đến nay đã mất nét không còn nhận ra chữ gì nữa. Thoảng nghe tiếng mọt nghiến khan khi trời chưa thật vào đêm, như chính tiếng thở dài của gia chủ…” (Tùy bút “Bàn tay Thôn Vỹ”). Và như ngôi nhà của bà nội “ông Hoan từng ghé chân, không lâu song cũng đủ để nhà thơ cô đặc thứ tình cảm ruột rà mang vào trong hạt sương, trong đá…” (Tùy bút “Ngôi nhà của cỏ” được chọn làm nhan đề cuốn sách – có lẽ cũng nên nói thêm: “ông Hoan” ở đây chính là Phan Ngọc Hoan, tên thật của nhà thơ Chế Lan Viên).

Một điều dễ nhận thấy là, trong các tùy bút, truyện ngắn và cả bài phê bình của NN đều có dấu ấn của một cây bút “đã tu… đọc kinh… chú tâm niệm Phật…”. NN đã viết như vậy trong một lá thư gửi bạn, in cuối tập tùy bút “Thuyền trôi trên sa mạc”. Đã đành, không thể dẫn sáng tác rồi suy ra cuộc đời tác giả, nhưng nếu “tu” như NN đã viết trong lá thư, rằng: “Mình đang “luyện” trở thành một người hoàn toàn vô hại với mọi loài” thì chỉ có những điều tốt đẹp mà thôi.

Cuối năm 2018, 5 tác phẩm của NN được NXB Hồng Đức (thuộc Hội Luật gia Việt Nam) & Nhà sách Hoa Sen (thuộc Công ty TNHH TM-DV Chính Thông) phát hành cùng lúc: “Trôi trên dòng thời gian trắng xóa” gồm 14 truyện ngắn; và 4 tập nghiên cứu & “cảm luận” về Phật giáo: “Vũ điệu ý niệm”, “Sực nhớ quê hương là cực lạc”, “Phía sau văn bản đời người” và “Mộng thoát luân hồi”. Thấy mỗi cuốn đều in với số lượng 3.000 bản, tôi nói vui với NN: “Chà! Thế này thì tác giả được trả nhuận bút cũng khá đây!” NN nhỏ nhẹ quen thuộc: “Sách này không có nhuận bút”. Tôi lật mở trang cuối 4 cuốn sách (trừ tập truyện ngắn), nơi thường ghi câu đại ý là “không được trích dẫn, sao chép, nếu chưa được sự cho phép…”, thì ở đây là dòng chữ đậm: “Tác giả không giữ bản quyền sách”!.

NGUYỄN KHẮC PHÊ