Chẳng biết duyên phận đưa đẩy thế nào mà nhà tôi lại ở sát nách nhà của hiệu trưởng một trường THCS khá nổi ở thành phố. Từ hơn một tháng nay, số phụ huynh đến chầu chực trước cửa để xin con vào học luôn nhộn nhịp. Không chỉ năm nay, mà năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn lại lên. Sáng, trưa, chiều, tối. Mấy ngày đầu thì hiệu trưởng còn mở cửa cho vào, về sau thì cửa đóng then cài. Buổi trưa hiệu trưởng không dám về nhà, buổi tối về nhà vội đóng cửa, tắt điện im ỉm. Sáng dậy không dám mở cửa liền. Có phụ huynh chầu chực từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác. Có người còn xỉu ngay trước cửa nhà, hàng xóm phải ra cấp cứu...

Được biết, ngoài trường hàng xóm tôi làm hiệu trưởng, còn rất nhiều trường thuộc tốp đầu trong thành phố, đều diễn ra cảnh tương tự. Để xin con vào trường điểm, phụ huynh phải tốn kém không nhỏ. Kinh phí đầu năm học ngoài phải nộp chung với học sinh cùng tuyến, học sinh trái tuyến phải nộp thêm khoản tiền xây dựng trên dưới 2 triệu đồng (tùy theo quy định của từng trường). Những phụ huynh không tiếp cận được với hiệu trưởng phải thông qua môi giới, có khi tốn cả chục triệu đồng.
Thật có lý khi nhiều người cho rằng, hiệu trưởng của một trường cấp THPT không “ngon” bằng hiệu trưởng của một trường TH hay THCS có tiếng ở thành phố là vậy!
 
Cho con vào trường điểm hình như là cái “mốt” của nhiều phụ huynh. Anh bạn xin được con vào một trường tiểu học ở trung tâm thành phố, vui mừng nhắn tin báo khắp bạn bè rằng “con mình đã đỗ đại học rồi”. Nhiều người nói thêm, còn hơn cả đỗ đại học(!). Thậm chí nhiều phụ huynh cho con vào các trường mầm non thôi cũng chi ra một khoản tiền để “chạy” cho bằng được. Khi xin được rồi thì ngồi ở đâu cũng hớn howr, vui mừng.
 
Chúng tôi tự nghĩ, làm gì mà phụ huynh phải khổ như vậy, trường lớp chúng ta có thiếu đâu. Nhiều trường ở địa phương tuy không nổi tiếng, nhưng chất lượng đâu đến nỗi. Quan trọng là ý thức học tập của học sinh. Năm ngoái, bé Hồng ở xóm tôi thi đỗ vào trường THCS Nguyễn Tri Phương làm cả xóm khen ngợi. Nhà cháu rất nghèo, ba đi xe thồ, mẹ đi giúp việc gia đình, cháu chỉ học ở trường tiểu học bình thường tại phường. Vậy mà thi đỗ trường Nguyễn Tri Phương với số điểm cao, trong lúc nhiều em học ở trường điểm, điều kiện gia đình khá giả lại rớt. Bên cạnh đó, hàng năm, rất nhiều học sinh ở các trường nông thôn thi đỗ vào Trường THPT CLC Quốc Học, hoặc thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng, với số điểm cao. Nói vậy để thấy, chất lượng đào tạo ở các trường trên địa bàn đều khá đảm bảo ý chí học tập của học sinh mang tính quyết định.
 
Để hạn chế việc chạy trường, tạo sự bình đẳng trong môi trường giáo dục, cần thiết phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Có ý kiến cho rằng, để hạn chế việc chạy trường, nảy sinh tiêu cực thì nên nghiêm cấm tình trạng học trái tuyến; hoặc với các trường “nóng” hiện nay thì phải tổ chức thi tuyển như Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Theo chúng tôi, những ý kiến này rất cần được đặt ra để cân nhắc, nghiên cứu, tìm ra giải pháp hiệu quả. Mặt khác, cần tiếp tục nâng cao cơ sở vật chất, chuẩn hóa giáo viên ở tất cả các trường học trên địa bàn, để phụ huynh yên tâm, không còn phải chọn lựa trường cho con, góp phần bình đẳng trong môi trường giáo dục mà Đảng, Nhà nước rất quan tâm hiện nay!
Tiểu Ca