Công viên Akademichexki vào năm 1969, khi Hồ Chủ tịch qua đời, đã được đổi tên thành Quảng trường Hồ Chí Minh. Trong khuôn viên rộng hơn một ha đó được đặt hòn đá đầu tiên chuẩn bị cho việc dựng tượng. Quảng trường ở một vị trí khá đẹp, là giao điểm của đại lộ Đmitria Ulianôpva và đại lộ 60 năm Tháng Mười, xung quanh là những ngôi nhà cổ và nhà bằng gạch cao tầng. Trước các nhà số 1/24 và số 2/22 của hai phố Đmitria Ulianôpva và phố Công đoàn đều có hai tấm bảng bằng đá khổ 1m x 1m20 ghi rõ: “Quảng trường Hồ Chí Minh” cùng bản tóm tắt thân thế và sự nghiệp của Người.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1990), đúng vào dịp UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất thì tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường mang tên Người ở thủ đô nước Nga được khánh thành. Đó là một công trình điêu khắc hoành tráng, đẹp, giàu ý nghĩa. Trên bức phù điêu đồng lớn hình khối cao 5m nổi bật bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bệ  bằng đồng khối có chiều dài 6m, dày 0,5m. Câu nói nổi tiếng của Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” khắc sâu ở bệ tượng đài bằng tiếng Nga, cách vài ba trăm mét vẫn có thể đọc được.

Được biết, tác giả của bức phù điêu là nhà điêu khắc tài danh Vladimir Efimovich Tsigal. Ông từng chia sẻ: “Tôi muốn bức phù điêu Hồ Chí Minh sẽ thu hút được sự chú ý và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai từng một lần đứng trước tác phẩm này”. Bức phù điêu hình tròn biểu thị cho mặt trời - một ngày mai tươi sáng. Giữa phù điêu, hình tượng Bác Hồ đang tươi cười, mắt trìu mến nhìn vào người xem. Bên dưới, hình tượng chàng trai Việt Nam ở thế chuẩn bị bật dậy, tượng trưng cho sức sống của một dân tộc. Phía sau là hình tượng cây tre Việt Nam - loài cây đã mang trong mình sức sống dẻo dai chống chọi với kẻ thù, với bão tố và gần gũi với người Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày. Cả bệ đá hoa cương gồm 8 bậc cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Theo nhà điêu khắc Tsigal: Con số 8 mang ý nghĩa tượng trưng, bởi tôi nhận thấy bông sen - loài hoa được người Việt Nam coi là biểu tượng của sự thanh tao, thường có 8 cánh.

Với không gian rộng, phía sau là những rặng tử đinh hương và cây lipa xanh tốt; chếch về phía trước quần thể tượng đài Bác là những cây bạch dương đêm ngày rì rầm trong gió, cùng các bồn hoa trang trí nhiều màu sắc đã tô đẹp thêm cho cảnh quan Quảng trường Hồ Chí Minh. Nơi đây đã trở thành địa chỉ gần gũi không những đối với người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Nga, mà còn là địa điểm ưa thích của nhiều người dân thủ đô Matxcơva. Không chỉ vào dịp sinh nhật Người, mà vào những ngày lễ, tết, nhiều người Việt Nam luôn tới đây đặt hoa tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại đã mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Cô dâu, chú rể người Việt trong ngày hạnh phúc cũng không quên đến bên Người, coi đây là địa điểm dừng chân mang ý nghĩa lớn trong khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời. Các đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm và làm việc tại LB Nga cũng coi việc tới đặt vòng hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh là một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự… Quảng trường, khu tượng Bác cũng là nơi nghỉ ngơi, giải trí của khu dân cư, lao động khu vực Viện Hàn lâm. Những hàng ghế gỗ màu xanh kê dọc các lối đi không lúc nào vắng bóng các cụ già dừng chân, những đôi gái trai ngồi tâm sự. Những ngày đẹp trời, các em bé rải vụn bánh mì cho hàng đàn bồ câu và chim sẻ.

Tròn 50 năm kể từ khi Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường mang tên Người được khởi công. Đây là một công trình tưởng niệm Người lớn nhất và sớm nhất ở nước ngoài, là biểu tượng cao đẹp cho tình đoàn kết hữu nghị Việt- Nga và niềm tự hào vô bờ bến của người dân Việt với lãnh tụ kính yêu.

NGUYÊN ANH