Bà Lê Thị Én được mời về trụ sở Công an phường Hương Long để làm việc. Ảnh: TB 

Nhiều đồng nghiệp đã nói với tôi như vậy, sau khi Công an phường Hương Long (TP. Huế) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Én, trú tại phường Hương Long về hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản” trong lúc bán măng cụt cho khách du lịch trước khu vực chùa Thiên Mụ, xảy ra tuần trước. Cái lớn ở đây là uy tín, môi trường du lịch và cả sự thân tiện của con người Huế, vốn là chủ nhân của các di sản bị đánh mất trong lòng du khách.

Đây không phải lần đầu tôi cảm thấy xấu hổ với kiểu “tham bát bỏ mâm” thế này. Có khi, du khách còn đưa cả hóa đơn thanh toán với giá cả không hợp lý, sau khi ăn uống lên mạng xã hội, với những câu bình luận cay nghiệt.

Cách đây một năm, Thanh tra Sở Du lịch, Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh cũng đã phối hợp xử phạt một tài xế xích lô chở hai du khách Việt kiều trong vòng 1 giờ đồng hồ và yêu cầu khách phải trả 1,5 triệu đồng… Theo Thanh tra Sở Du lịch, trong năm 2018, thanh tra đã tiếp nhận 8 trường hợp phản ánh những vấn đề tiêu cực trong hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Huế; trong đó, 2 trường hợp phản ánh liên quan đến việc đặt phòng và hủy phòng và 6 trường hợp phản ánh về dịch vụ vận chuyển, đặc biệt là tình trạng “chặt chém, nâng giá quá cao” khi sử dụng dịch vụ xích lô du lịch và taxi.

Phải nói rằng, đó là những hành vi quá lỗi thời trong đời sống kinh tế thị trường, trong bối cảnh nhiều tỉnh thành đang nỗ lực, cạnh tranh để thu hút khách du lịch đến với mình; đặc biệt, khi Thừa Thiên Huế đang phát triển ngành du lịch đồng bộ, bền vững, đạt chất lượng cao và thực sự chuyên nghiệp hiện nay…

Trong thực tế, không ít người dân Huế đã có những cử chỉ đẹp đối với du khách. Đơn cử như em Trần Thanh Nguyên (trú 17 Nguyễn Văn Thoại, phường Phú Hậu, TP. Huế) nhặt một ba lô bên trong có tiền, thẻ ATM và nhiều giấy tờ, đã cùng ba đến cơ quan Công an bàn giao; qua đó, Công an TP. Huế đã tìm được người đánh rơi là ông Juan Antonio Rienda Ortega, quốc tịch Tây Ban Nha đang du lịch tại Huế, để trả lại. Hay trường hợp anh Nguyễn Kim Tùng (trú tại 9/9 kiệt 87 Lịch Đợi, TP. Huế) đến Công an TP. Huế nhờ tìm lại chủ tài sản đánh rơi gồm 1 chiếc ví bên trong có 5.000 Yên Nhật, Visa Card và nhiều loại giấy tờ cá nhân. Qua đó, Công an đã liên lạc được với ông Yasushi Arai, quốc tịch Nhật bản, để trao trả…

Và, còn rất nhiều những hành động, cử chỉ đẹp khác của người dân Huế, công an, lực lượng chức năng trên địa bàn… đã tạo được thiện cảm trong lòng du khách. Tuy nhiên, tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” vẫn thường diễn ra, rất cần được chấn chỉnh. Cùng với xử lý nghiêm các hành vi phản cảm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với môi trường du lịch của tỉnh nhà. Đó là thái độ ứng xử văn minh, lịch sự đối với du khách nói chung và trong hoạt động du lịch nói riêng; khẳng định hình ảnh đẹp đẽ của con người Huế, bên cạnh những di sản đáng tự hào đối với du khách thập phương.

Đặng Thành