Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, từ đầu tháng 3 đến nay, mức tăng giá xăng dầu cộng dồn các đợt lại tổng cộng là gần 20%. Nguyên nhân tác động đến mức tăng này là do giá dầu thế giới tăng trong khi quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước “đã cạn”.

Đối với việc chi ngân sách, chi phí cho xăng dầu đi lại (các cơ quan đơn vị) là một trong những chi phí mà ngân sách phải gánh. Số liệu thống kế trong năm 2017, toàn tỉnh có 223 xe công. Theo Sở Tài chính, khi thực hiện khoán chế độ xe công, mỗi xe tiết kiệm khoảng 34,5%, tương đương với 170 triệu đồng. Điều này có thể hiểu, nếu không thực hiện khoán, “nuôi” một xe công một năm không dưới 500 triệu đồng (tính tất cả các chi phí).

Trong chi phí xe công, có chi phí cho nhiên liệu. Một khi nhiên liệu tăng, chi phí ngân sách sẽ tăng. Giá xăng dầu trong nước đang điều chỉnh phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Chúng ta chỉ dự đoán chứ không biết giá xăng dầu thế giới sẽ biến động như thế nào nên chi phí ngân sách nói chung, chi phí của các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nói riêng cần nhận biết và điều chỉnh mức chi tiêu cho xăng dầu như thế nào cho hợp lý. Tương tự như vậy, giá điện cũng tăng hơn 8,3%.

Về chi phí cho xe công gồm nhiều khoản chi như: đầu tư, sửa chữa, người lái xe, khấu hao, xăng xe và các chi phí khác như bảo hiểm. Xe vận hành nhiều thì chi phí nhiên liệu và nhiều khoản khác liên quan tiêu phí. Nếu giảm vận hành thì lại lãng phí ở khâu đầu tư, sử dụng nhân công… Nói chung ở phương diện nào cũng tác động tiêu cực lên ngân sách. Vì vậy xem xét sử dụng hiệu quả xe công cũng là việc cần làm trong bối cảnh giá xăng dầu tăng 20%. Và chưa biết nó có còn tăng nữa hay không?

Yếu tố khác đè nặng lên chi phí chi ngân sách của các đơn vị có gốc từ ngân sách Nhà nước đó là lương. Theo lộ trình tăng lương, tháng 7 tới sẽ tăng lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng lên mức 1,49 triệu đồng một tháng. Lương hưu và các khoản trợ cấp khác cũng tăng theo. Một khi mức lương cơ sở tăng sẽ kéo theo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng theo. Phụ cấp chức vụ cũng tăng theo… Ví dụ như bảo hiểm xã hội, người lao động đóng 8% thì người sử dụng lao động đóng 14%. Bảo hiểm y tế người lao động đóng 1% thì người sử dụng lao động đóng 3%. Tổng cộng, chủ sử dụng lao động sẽ đóng 21,5%.

Mặc dù ngân sách Nhà nước đã phân bổ cho từng cơ quan đơn vị từ đầu năm, việc sử dụng như thế nào cho hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo cân đối là do cơ quan đơn vị tự tính toán, nhưng suy đến cùng, cái gốc của nó vẫn tác động lên ngân sách. Ở Thừa Thiên Huế, mỗi năm nguồn chi thường xuyên rất lớn. Chi thường xuyên tức là chi để nuôi bộ máy. Ví dụ như dự toán chi ngân sách năm 2018 là 9.462 tỷ đồng thì trong đó chi thường xuyên đã chiếm 6.186 tỷ đồng, trong nguồn chi này phần lớn là lương. Năm 2019, dự chi ngân sách toàn tỉnh là 10.243 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Với mức tăng 100 ngàn đồng lương cơ sở (tăng lên), và 21,5% chủ sử dụng lao động phải trả cho mức tăng này, chúng ta sẽ hình dung mức chi ngân sách không hề nhỏ.

Trong bối cảnh như vậy, để đảm bảo nguồn chi thường xuyên, các đơn vị hưởng lương từ ngân sách phải tính toán hết sức thận trọng, đặc biệt là những đơn vị sự nghiệp có thu. Đối với đơn vị sự nghiệp có thu (tùy theo mức độ Nhà nước cho quyền tự chủ một phần hay toàn phần) nếu không tính toán kỹ sử dụng ngân sách và lực lượng lao động, tổ chức tốt việc tiết kiệm và thậm chí là tinh giảm biên chế khi có điều kiện; không dự báo đúng nguồn thu thì rất có thể mất cân đối ngân sách vào cuối năm. Ở đây, chi thường xuyên tổng thể của tỉnh có thể không tăng nhưng tổng chi ngân sách của các đơn vị cho lương và nhiều khoản khác sẽ tăng.

Nếu nói về cơ hội, đây cũng là dịp để các đơn vị tìm biện pháp điều hành ngân sách một cách tiết kiệm. Vì lâu nay, khoản này được cho là chi tiêu không ít lãng phí.

Nguyên Lê