Thời gian gần đây thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại

Trên thị trường, giá đất có dấu hiệu giảm sốt. Một số khu vực giá đất hạ hoặc đi ngang. Một nguồn tin cho biết: Cách đây chừng 3 tháng, giá đất ở một khu quy hoạch có lúc nhảy vọt 21 -22 triệu đồng/m2. Đầu năm ngoái, giá đất ở đây chỉ tầm từ 8 – 10 triệu đồng/m2. Có những lúc, số người tập trung về đây “lùng đất” chẳng khác gì một “cái chợ” – chợ bất động sản.

Có những vùng quy hoạch trên tỉnh lộ 10 (thuộc khu vực Phú Vang) giá đất đã tăng gấp từ 2 -3 lần.

Nhiều người cho rằng, giá đất tăng đột biến như vậy là tình trạng “sốt ảo”. Theo người viết bài này, đây là tình trạng sốt thật chứ không phải ảo. Bởi lượng đất giao dịch thành công là có thật. Giá đất tăng cao là vì giá tăng quá nhanh trong một thời gian ngắn. Kiểu như người này mới mua, khi thấy có lời ở mức độ kỳ vọng họ đã chốt giá bán. Người mua được lại tiếp tục rao bán ở một mức giá cao hơn… Cứ như vậy, những vùng đất sôi động giá đất đã như “con ngựa bất kham”.

Nhưng không thể nào giá đất cứ tăng cao mãi được. Đến một lúc, họ thấy giá đất đã tăng ở một mức độ vô lý. Đây là thời điểm giao dịch trở nên ngừng trệ. Giá đất đi ngang hoặc có dấu hiệu đi xuống chính là như vậy. Tại khu quy hoạch trung tâm nói trên, giá đất bây giờ chỉ còn chừng 17 triệu đồng/m2 nhưng không phải dễ dàng bán.

Hiện tượng sốt đất ở Huế thời gian qua, có một nguồn tin đồn thổi rằng đã có một sự “làm giá” để “tạo sóng”. Ở khu vực Trung Trung bộ, sóng bất động sản đi từ Đà Nẵng, ra Huế. Hiện tại, sóng tiếp tục di chuyển ra Quảng Bình. Thực hư câu chuyện tạo sóng như thế nào chưa rõ nhưng sự sôi động bất động sản ở ba địa phương nói trên là có thật.

Cũng có một nguồn tin đồn thổi, đã có người bắt đầu bán tháo bất động sản để trả nợ vay ngân hàng. Thường, việc mua bán theo kiểu “bầy đàn”, “tát nước theo mưa” sẽ dẫn đến một cuộc“tháo chạy”. Một khi, có một cuộc “tháo chạy” diễn ra thì thị trường ngay lập tức đi xuống. Những nhà đầu cơ rất nhanh nhạy với những dấu hiệu này. Trong cuộc rút lui, chắc chắn sẽ có những người không rút lui kịp. Phải chăng thị trường bất động sản ở Huế đang trong thời điểm này?

Thị trường bất động sản vào lúc sôi động thường có ba đối tượng tham gia. Thứ nhất là những người thừa tiền không biết làm gì, mua bất động sản để đó như tìm kiếm một kênh đầu tư. Thường những người này không băn khoăn nhiều lắm về chuyện lời lỗ. Đối tượng thứ hai là những nhà kinh doanh chuyên nghiệp. Đối tượng này thường là không nhiều, chỉ một nhóm người nào đó. Đối tượng thứ ba nằm ở giữa hai đối tượng nói trên, nghĩa là không chuyên nghiệp cũng không phải mua đất “bỏ ống” – chính là những người lướt sóng, ăn theo.

Bất động sản là thị trường hút rất nhiều vốn, trong đó không loại trừ vốn vay ngân hàng. Một khi thị trường này trục trặc sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế. Dù đất có sôi động hay không thì một lượng lớn vốn của xã hội cũng đã bị chôn vào đây. Tác hại của hiện tượng sốt bất động sản chính là ở chỗ này.

Khác với thị trường bất động sản, nếu thị trường địa ốc sôi động sẽ tác động rất tích cực cho nền kinh tế; sẽ kéo theo nhiều thị trường khác như thị trường vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, các loại hình dịch vụ và ngay chính thị trường lao động… tăng trưởng.

Trong lịch sử lên xuống của mỗi chu kỳ thị trường bất động sản đều để lại những hệ quả bất lợi. Không phải người tham gia thị trường này không nhận biết điều đó, nhưng chính sự kỳ vọng thị trường đi lên và lợi nhuận lớn đưa lại nên đôi khi đã làm cho người ta quên mất rằng… giá đất đã đạt đỉnh.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: HOÀNG HẢI