Phối cảnh dự án "thông minh và xanh" Newpark Residences tại Kluang, Malaysia. Ảnh: THE NATION

Ông Jason Pomeroy, người sáng lập Công ty kiến trúc Pomeroy Studio có trụ sở tại Singapore cho hay: “Khi chúng ta nói rằng, cách để phát triển các thành phố là làm cho chúng trở nên “thông minh và xanh”, chúng ta đang nói về việc phát triển những thành phố bền vững ở các quốc gia ASEAN và trên toàn cầu trong thời đại biến đổi khí hậu”.

Trong đó, trọng tâm là 6 ý tưởng để thiết kế và phát triển các thành phố, bao gồm xã hội, không gian, môi trường, văn hóa, kinh tế và công nghệ.

Liên quan đến vấn đề xã hội, khi xây dựng thành phố cần bao gồm những hoạt động ngoài trời tốt đẹp với cảnh quan của các khu vực công cộng. “Khi chúng tôi thiết kế một tòa nhà hoặc một thành phố, chúng tôi cần có sự tham gia của tất cả những người cần thiết để tạo ra một cộng đồng bền vững”, ông Jason Pomeroy nói thêm.

Trong khi đó, các cân nhắc về không gian cũng quan trọng, bởi tất cả các thành phố phải quản lý các cấu trúc của họ nhằm phục vụ mọi nhu cầu, đồng thời quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngoài ra, các thành phố “thông minh và xanh” cần quan tâm đến môi trường. “Khi chúng ta thiết kế các thành phố, chúng phải có kế hoạch cho một tương lai với mức khí thải carbon âm, bằng cách sử dụng năng lượng thay thế để giảm CO2. Điều này sẽ cải thiện các thành phố khi chúng trở thành những thành phố bền vững”, theo ông Jason Pomeroy.

Hòa nhập

cùng thành phố

Tất cả các thành phố đều có nét văn hóa độc đáo của họ và việc thiết kế những tòa nhà riêng lẻ và toàn bộ thành phố cần quan tâm đến những nét văn hóa đó. Chẳng hạn, khi ông Jason Pomeroy thiết kế một khu dân cư ở Myanmar, ông phải tìm hiểu về văn hóa của Myanmar và đưa ra một thiết kế kết hợp ý tưởng của các kiến ​​trúc sư với văn hóa của quốc gia này.

“Theo quan điểm của tôi, khi thiết kế một thành phố thông minh và bền vững, bạn phải quan tâm đến cộng đồng và văn hóa, cùng với công nghệ và đổi mới. Một thiết kế thành phố đảm bảo hạnh phúc cho tất cả mọi người đòi hỏi sự cộng tác của tất cả mọi người. Đây là cách để có được những thành phố bền vững trong lâu dài”, nhà sáng lập của Pomeroy Studio nhận định.

Trong một động thái liên quan, bà Alina Yeo, Giám đốc của Công ty kiến ​​trúc WOHA cho rằng, thiết kế kiến ​​trúc phải quan tâm đến môi trường.

“Khi chúng tôi thiết kế một tòa nhà, chúng tôi quan tâm đến khu vực xanh. Đây là cách mà WOHA Group thiết kế các tòa nhà ở Singapore, cũng như những quốc gia khác trong khu vực châu Á”, bà Alina Yeo lưu ý.

Xây dựng một không gian xanh vào bất kỳ thiết kế nào sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người sống ở đó, đồng thời tạo ra cảnh quan môi trường tốt nhất xung quanh tòa nhà, Giám đốc WOHA nói thêm.

Tài trợ xanh

Với xu hướng này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào ngày 4/4 vừa qua đã công bố việc phát triển một sáng kiến mới trị giá 1 tỷ USD, nhằm tài trợ cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng xanh trên khắp khu vực Đông Nam Á.

Sáng kiến huy động nguồn lực và chuyên môn từ Quỹ Cơ sở Hạ tầng ASEAN (AIF), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), để hỗ trợ những quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu trong khu vực đáp ứng các cam kết của họ theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Sáng kiến mới này sẽ hỗ trợ các quốc gia ASEAN xác định và thiết kế những dự án gắn liền với các mục tiêu liên quan đến khí hậu và “xanh”. Ngoài hoạt động tài trợ trực tiếp thông qua việc cung cấp các khoản vay, các gói tài trợ cũng sẽ được cung cấp để giảm thiểu rủi ro liên quan đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh.

Theo đó, sáng kiến nói trên sẽ tăng cường nguồn lực cho các Chính phủ ASEAN. Sau khi được ADB và Chính phủ các quốc gia ASEAN thành lập như một sáng kiến ​​chung vào năm 2011, AIF đã cam kết 520 triệu USD cho các dự án năng lượng, giao thông, nước và cơ sở hạ tầng đô thị để giải quyết những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra đối với hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng và dân cư trong khu vực.

Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng tiêu cực bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm làm gián đoạn hoạt động kinh tế, làm hư hại cơ sở hạ tầng, tăng chi phí xã hội và thay đổi dân số. Trong bối cảnh các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tài chính khí hậu và hỗ trợ kỹ thuật cho các khu vực pháp lý dễ bị tổn thương bởi khí hậu, ADB kỳ vọng tài chính khí hậu MDB sẽ thu hút các hoạt động đồng tài trợ khác.

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ The Nation & ADB)