Qua hai năm thực hiện đề án, chất lượng học tập của trẻ em dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi ngày càng chuyển biến tích cực, học sinh mạnh dạn, tự tin và thích đến trường.

Dạy tiếng Việt cho học sinh mẫu giáo ở Nam Đông

Khó khăn về giao tiếp tiếng Việt chính là rào cản lớn nhất của trẻ vùng dân tộc thiểu số khi vào lớp 1. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục linh hoạt, tạo điều kiện cho trẻ nhận biết và phát âm tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi. Các trường mầm non phát động phong trào sáng tác bài hát, câu đố, trò chơi… để phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Các trường phối hợp hội phụ huynh, già làng, trưởng bản sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian để dùng trong các trường mầm non.

Ngành giáo dục tỉnh khuyến khích phụ huynh, các tổ chức đóng góp đồ dùng, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt địa phương để sử dụng trong hoạt động tăng cường tiếng Việt, giúp các em tự tin trong giao tiếp, mạnh dạn thể hiện ý kiến của mình trước thầy cô, bạn bè.

Năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo và kiểm tra, đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt của các trường tiểu học có học sinh tiểu học là dân tộc thiểu số. Các trường đẩy mạnh các hoạt động mang tính chuyên môn sâu như bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tổ chức học trước 2 tuần vào thời điểm đầu năm học… 

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các trường.

Tin, ảnh: Huế Thu