Dùng giấy để gói hàng là cách hạn chế sử dụng túi nhựa, ni lông sử dụng 1 lần

"Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta" là chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2019 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn. Chủ đề này cũng là thông điệp kêu gọi các quốc gia, cộng đồng cùng hành động trong việc giảm thiểu chất độc hại thải ra môi trường không khí trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí; trong đó khu vực châu Á- Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố cách đây 2 năm cũng đưa ra những con số đáng báo động về ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các thành phố lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều cơ sở sản xuất chưa tuân thủ về khí phát thải và lưu lượng phương tiện giao thông cơ giới ngày càng tăng cao.

Theo thống kê, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030.

Thực hiện Tháng hành động vì môi trường (từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6) hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019 với chủ đề về ngăn chặn ô nhiễm không khí, các địa phương tập trung triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó, tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, làng nghề, cụm công nghiệp.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp cần đổi mới công nghệ, quy trình, thiết bị sản xuất nhằm hạn chế phát sinh khí thải, đồng thời xây dựng, lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý khí thải phát sinh đảm bảo quy chuẩn về môi trường. Phát động trồng cây xanh trong các khu đô thị, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, làng nghề.

Song hành với thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm không khí, việc "Chống rác thải nhựa" để ngăn chặn ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra được xác định là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội. Rác thải nhựa không chỉ xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực đất liền mà đang trở thành vấn nạn đối với các bãi biển, đảo, hải đảo của nước ta. Nhiều vùng đảo như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Phú Quốc... vốn xanh, sạch, trong lành thì nay chính quyền của những địa phương đang phải dốc sức để thu gom, xử lý rác thải nhựa, túi ni lông "di cư" từ nơi khác đến.

Tuần lễ Biển Hải đảo Việt Nam (1-8/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6) với chủ đề "Giới và đại dương" năm nay cũng nhằm kêu gọi mỗi người dân có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh, khám phá những giải pháp khả thi để thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động liên quan đến đại dương; đồng thời khuyến khích đề ra các giải pháp ngăn chặn rác thải nhựa trên biển vì một đại dương khỏe mạnh hơn, cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên