Nuôi lợn theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt ở Phú Bài

Lợn hơi xuống 29 ngàn đồng/kg

Sau Phong Điền, dịch TLCP đã xuất hiện tại một số hộ chăn nuôi tại  Hương Trà, TP. Huế, Hương Thủy, Phú Vang, Quảng Điền. Các biện pháp phòng chống dịch TLCP đang được ngành chức năng và hộ chăn nuôi khẩn trương thực hiện.

Toàn tỉnh đã siết chặt kiểm soát tại các chốt kiểm dịch động vật, tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng trên diện rộng, tổ chức các đợt tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu rõ về dịch và các giải pháp phòng chống dịch.

Về ảnh hưởng dịch TLCP, ông Nguyễn Thuận, chủ trang trại tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền cho biết, năm 2016, giá lợn xuống thấp, còn 20-23 ngàn đồng/kg lợn hơi. Đầu năm 2019, giá lợn tiếp tục bấp bênh. Hiện, giá lợn đang ở mức 29 ngàn đồng/kg.

Các trang trại tại khu vực rú cát Quảng Điền trước đó đều đã giảm đàn, có nhiều trang trại chuyển sang chăn nuôi gia cầm, bò… Nếu dịch kéo dài, tình trạng các hộ bỏ nuôi tăng, nguy cơ thiếu nguồn cung heo giống để tái đàn dễ xảy ra.

Một số hộ nuôi tại khu vực rú cát Quảng Vinh, Quảng Lợi chia sẻ, bình thường, lợn thịt đạt từ 80-100kg là thời điểm xuất bán. Tuy nhiên, trước tình hình dịch TLCP diễn biến phức tạp, người chăn nuôi chọn cách xuất bán sớm hơn, khi lợn đạt trọng lượng 50-70kg; đồng thời triển khai các giải pháp phòng bệnh cho đàn lợn.

Hiện, Quảng Điền có tổng đàn lợn trên 30.500 con, trong đó lợn nái 650 con; gần 50% tổng đàn lợn tập trung ở vùng rú cát 3 xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh, nếu dịch bùng phát ở khu vực này sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế trang trại của địa phương và lượng thịt cung ứng thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Điền thông tin, trước mắt địa phương khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực trang trại định kỳ hàng ngày hoặc cách ngày; sử dụng thức ăn đã qua xử lý để đảm bảo vệ sinh. Trên địa bàn, người dân đã bắt đầu có tâm lý giảm đàn để giảm bớt thiệt hại. Nếu tổng đàn giảm quá mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tái đàn về sau.

Thận trọng khi tái đàn

Đến cuối tháng 4/2019, tổng đàn lợn trên toàn tỉnh 159.850 con với 19.096 hộ nuôi, giảm 1,6% so với cuối năm 2018. Hiện có 22 doanh nghiệp, trang trại đang hoạt động chăn nuôi với số lượng 3.270 lợn nái; 24.400 lợn thịt. Trên địa bàn còn có 2 doanh nghiệp, trang trại đang làm thủ tục đầu tư trang trại với quy mô 1.200 con lợn nái và 8.000 con lợn thịt.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, thời gian tới, số lượng đàn lợn sẽ giảm và khả năng giá lợn sẽ tăng. Đàn lợn giảm chủ yếu là do bệnh dịch phải tiêu hủy và người chăn nuôi không tái đàn trong thời điểm bệnh dịch TLCP chưa được khống chế. Điều này rất dễ dẫn đến thị trường cung, cầu sau dịch mất cân đối, đẩy giá lợn lên cao.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định, người chăn nuôi cần thay đổi tập quán chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học hiện đại, thực hành chăn nuôi tốt vào sản xuất, dần chuyển đổi từ con giống địa phương sang giống mới có nguồn gốc nhập khẩu cho năng suất cao và gen kháng bệnh. Ngành nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu đàn lợn; chuyển sang chăn nuôi gia cầm, bò thịt... để bù đắp lượng thịt lợn bị thiếu hụt. Đồng thời, ngành sẽ thay đổi cơ cấu chăn nuôi; đẩy mạnh chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại; tập trung vào con giống để đáp ứng nhu cầu tái đàn của người dân sau khi dịch đi vào ổn định.

Ông Hưng khuyến cáo: “Các hộ chăn nuôi có dịch chưa qua 30 ngày không được tái đàn. Đối với các ổ bệnh đã xuất hiện, nếu sau 30 ngày không còn bệnh thì người chăn nuôi mới được tái đàn nhưng với quy mô bằng khoảng 10% so với ban đầu để theo dõi, tuyệt đối không được tái đàn ồ ạt. Sau 1 tháng, nếu bệnh không phát sinh mới thực hiện tái đàn tiếp”.

Quá trình tái đàn phải thận trọng, lựa chọn cơ sở giống uy tín và đảm bảo chất lượng. Công tác xuất nhập lợn phải đảm bảo an toàn, chuyển sang nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng thường xuyên để dịch không có khả năng quay lại.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN