Gỗ keo, tràm đang có giá cao

Nhu cầu lớn

Những ngày này, ông Hồ Đình Phương (xã Phong An, huyện Phong Điền) đang tất bật khai thác 12ha gỗ keo, tràm được trồng theo chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp). Số diện tích này được ông Phương trồng cách đây khoảng 7 năm.

Theo ông Phương, trước đây, ông cùng nhiều hộ dân tại địa phương trồng keo, tràm theo phương thức truyền thống, từ lúc chọn giống tạo cây con, trồng đến lúc thu hoạch khoảng 4 năm. Nhưng sau khi chính quyền địa phương triển khai dự án trồng rừng gỗ lớn, ông đã mạnh dạn tham gia. Bây giờ, số diện tích rừng ông đang khai thác đạt khoảng 150 tấn/ha.

“Nếu trồng theo cách truyền thống, sau 4 năm sẽ đưa vào khai thác gỗ, sản lượng đạt được chưa đến 100 tấn/ha. Ngoài ra, vì thời gian trồng ngắn nên chất lượng gỗ không cao. Đó cũng cơ hội cho các doanh nghiệp thu mua gỗ ép giá. Việc trồng keo, tràm theo dự án trồng rừng gỗ lớn không chỉ làm tăng sản lượng khai thác mà tạo ra chất lượng gỗ cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp thu mua”, ông Phương chia sẻ.

Hiện nay, gỗ keo, tràm được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực về công nghiệp chế biến gỗ, chế tạo giấy, sử dụng sản xuất đồ nội thất văn phòng, gia đình. Đặc biệt, loại gỗ này được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu ra nước ngoài với giá trị cao. Trước nhu cầu đó, người trồng keo, tràm đang từng bước thực hiện những phương thức trồng hợp lý, đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, giá gỗ keo, tràm luôn ở tình trạng bấp bênh. Cuối năm 2017, giá gỗ rớt sâu, chỉ ở mức khoảng 800 - 900 nghìn đồng/tấn, khiến thu nhập của người trồng bị giảm sút đáng kể.

Sau thời gian rớt giá, thời điểm này, gỗ keo tràm tăng giá đột biến, lên đến 1,3 triệu đồng/tấn, khiến người trồng rừng phấn khởi. “Người trồng keo, tràm thường trồng gối đầu nên năm nào cũng có diện tích để khai thác. Chưa bao giờ giá gỗ lại cao như lúc này, những ai có diện tích đưa vào khai thác thời điểm này sẽ trúng đậm”, ông Phương nói.

Theo nhiều doanh nghiệp thu mua, gỗ keo, tràm tăng giá đột biến là điều hiển nhiên, bởi lẽ nhu cầu về loại gỗ này đang rất lớn, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Ông Huỳnh Thặng, Giám đốc Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế thông tin, ngoài phục vụ thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu truyền thống như, Trung Quốc, Lào, hiện nay, tại Indonesia đang có những đơn hàng nhập khẩu lớn về gỗ keo, tràm từ nước ta. Do vậy, giá gỗ tăng cao là điều tất yếu.

“Mỗi năm công ty chúng tôi thu mua hơn 300.000 tấn gỗ, một nửa trong số đó đáp ứng cho thị trường nước ngoài. Hiện nay, công ty chúng tôi đang thu mua gỗ keo, tràm với giá từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Mặc dù thị trường tiêu thụ gỗ keo, tràm đang lớn nhưng chúng tôi cũng chỉ ổn định mức thu mua nói trên. Tôi cho rằng, việc tăng giá này sẽ chỉ duy trì trong thời gian ngắn, bởi khi các doanh nghiệp cung ứng đủ lượng gỗ họ mong muốn thì sẽ ổn định sản xuất, giá gỗ sẽ trở lại như bình thường”, ông Thặng chia sẻ.

Người dân thu hoạch gỗ keo, tràm

Nâng cao chất lượng

Nhiều năm trở lại đây, trồng rừng là hướng phát triển hiệu quả của nhiều hộ dân, đặc biệt là ở các địa phương vùng núi, gò đồi. Trước đây, việc trồng rừng chủ yếu quy mô nhỏ, rừng trồng gỗ nhỏ, với thời gian trồng khoảng 4 năm, sản lượng khai thác chỉ từ 50-60 tấn/ha, chất lượng gỗ không cao. Sau khi trừ chi phí, số lãi của người dân đạt khá thấp.

Từ khi Nhà nước có chủ trương trồng rừng gỗ lớn theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp và quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển sang phương thức trồng rừng gỗ lớn. Ông Giáp Mạnh (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) chia sẻ: “Trước đây, tôi thường trồng rừng sau 4 năm là đưa vào khai thác nên hiệu quả không cao. Từ khi trồng rừng theo chứng chỉ FSC với thời gian trồng khoảng 8 năm thì sản lượng lên đến hơn 150 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha. So với trồng rừng gỗ nhỏ, trồng rừng theo chứng chỉ FSC là cách phát triển bền vững, hiệu quả cao”.

Dự án trồng rừng gỗ lớn hình thành, nhiều chi hội trồng rừng gỗ lớn ra đời, tạo nên các chuỗi sản phẩm lâm nghiệp bền vững, mang lại giá trị kinh tế, nâng cao chất lượng và năng suất rừng trồng. Đó cũng là xu thế tất yếu khi nguồn gỗ tự nhiên phục vụ nhu cầu thị trường ngày càng khan hiếm, việc thay thế bằng rừng gỗ lớn nhằm giải quyết bài toán này.

“Phát triển rừng trồng gỗ lớn sẽ tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và hướng tới thay thế dần các loại gỗ tự nhiên”, ông Huỳnh Thặng nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nâng cao chất lượng, nhiều địa phương đang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng mô hình sản xuất cây con phục vụ cho việc trồng rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Tỉnh cũng đang xây dựng thêm nhiều loại giống mới, gồm các loài keo lá tràm, keo tai tượng, keo lưỡi liềm; ngoài ra, còn có các giống chuyển hóa, chú trọng một số loài cây chủ lực, bản địa, lâu năm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, rừng phòng hộ và đặc dụng.

Toàn tỉnh hiện có hơn 70.000 ha rừng trồng đã khép tán, diện tích rừng keo chiếm 80%. Riêng rừng trồng gỗ lớn toàn tỉnh có khoảng 7.000ha, trong đó khoảng 4.000 ha được cấp chứng chỉ FSC. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, đưa diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt 13.000 ha và có khoảng 6.000 ha được cấp FSC. Hiện mỗi năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh trồng mới từ 4.500-5.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 58% so với diện tích đất tự nhiên; đến năm 2020 tỷ lệ này phấn đấu đạt 61%.

Bài, ảnh: L.Thọ