Đại biểu Bùi Đức Hạnh phát biểu ở tổ chiều 28/5

Hộ chiếu ngoại giao, công vụ và tài sản quốc gia

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều đối tượng tội phạm sau khi gây án trốn ra nước ngoài. Có nhiều trường hợp chúng ta phải phối hợp với nước bạn để truy bắt, điều chuyển về nước. Đặc biệt, có đối tượng cùng một lúc sử dụng nhiều hộ chiếu với nhiều tên khác nhau. Hoặc có những đối tượng lợi dụng việc xuất cảnh về Việt Nam để mang vũ khí, tài liệu về chống phá an ninh quốc gia, cho nên theo tôi việc ban hành Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam là hết sức cần thiết.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng Ban soạn thảo chuẩn bị hồ sơ hết sức chu đáo, qua nhiều rất hội thảo và tiếp thu hầu hết các ý kiến tham gia của các chuyên gia, những người đầu ngành, đặc biệt là các bộ liên quan trực tiếp là Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.

Ban soạn thảo đã tiếp thu một cách tương đối triệt để. Qua 6 lần dự thảo, ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương để có bản dự thảo trình Quốc hội hôm nay. Tuy nhiên cá nhân tôi cũng tham gia vào một số điều cụ thể.

Thứ nhất, tại Điều 2, giải thích từ ngữ, theo thôi không cần giải thích từ “cửa khẩu” vì đã được viết rất kỹ trong Luật Biên giới quốc gia, nên Ban soạn thảo cần cân nhắc, không cần phải nhắc lại.

Trong này có một số điều luật xin ý kiến của đại biểu đưa ra 2 phương án. Tại Chương 3, cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ đưa ra 2 phương án.

Phương án một quy định chi tiết cho từng khối: khối Đảng, khối Quốc hội, Khối Chính phủ… ; phương án thứ 2 là quy định về nguyên tắc, sau đó tiếp tục có Nghị định của Chính phủ quy định tiếp theo. Quan điểm cá nhân tôi nên quy định cụ thể ngay trong luật cho rõ ràng, minh bạch, tránh lợi dụng những việc để có tiêu cực trong việc cấp hộ chiếu. Bởi hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được chúng ta xác định là tài sản quốc gia, có vị trí hết sức quan trọng. Việc quy định càng chi tiết, càng tỉ mỉ bao nhiêu thì hạn chế tiêu cực bấy nhiêu. Thực tế hiện nay, Chính phủ đã có nghị định nên không nhất thiết phải quy định chung, sau đó lại tiếp tục có nghị định của chính phủ nữa, gây phiền hà, phức tạp. 

Nên có quy định mở để công dân Việt Nam Về nước

Cán bộ xuất nhập cảnh Công an Thừa Thiên Huế làm thủ tục xuất cảnh cho khách nước ngoài tại Sân bay Phú Bài

Một nội dung chưa xin ý kiến Quốc hội là trường hợp tạm hoãn xuất cảnh tại Điều 28. Trong này đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là trường hợp ngăn chặn dịch bệnh lây lan truyền nhiễm có đưa vào tạm hoãn xuất nhập cảnh. Trường hợp thứ 2 có đưa vào.

Quan điểm của tôi là nên đưa vào vì phù hợp với các luật hiện hành. Trong Luật Biên giới quốc gia cũng đã hạn chế vấn đề này. Trong Pháp lệnh bộ đội biên phòng cũng hạn chế nội dung này. Hay trong thực tế hiện nay xuất hiện rất nhiều bệnh dịch lạ, nguy hiểm, ảnh hưởng đến con người, không những trong nước mà cả nước ngoài. Do đó, đề nghị nên bổ sung thêm nội dung thứ 6 là tạm hoãn vì lý do ngăn chặn dịch bệnh lây lan bệnh truyền nhiễm.

Từ đó, ở Điều 29 cần bổ sung thêm thẩm quyền cho bộ trưởng Bộ Y tế quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 6, Điều 28. Tương tự, Tại Điều 17, trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất cảnh cũng cần bổ sung vấn đề này vào. Như vậy nội dung này liên quan đến 3 điều 17, 28, 29.

Điều 26, điều kiện nhập cảnh. Trong luật ghi “có giấy tờ xuất cảnh còn nguyên vẹn và còn giá trị sử dụng thì được nhập cảnh trở về”. Như ta hiểu khi đi, khi về thì giấy tờ đó còn nguyên vẹn, không được tẩy xóa, thay trang, thay ảnh, còn giá trị thì được quay về là đương nhiên. Nhưng trong thực tế cuộc sống, có trường hợp khi quay về không còn hộ chiếu thì làm sao?

Ví dụ như người Việt Nam xuất khẩu lao động, một số người lao động ở Hàn Quốc nhưng trốn ra làm ngoài đến 5-7 năm mới bị phát hiện, buộc trục xuất về thì có về được không? Và còn nhiều trường hợp khác nữa, mất hộ chiếu, không còn hộ chiếu, hộ chiếu không còn thời hạn với nhiều lý do khác nhau nhưng họ vẫn là công dân Việt Nam, họ vẫn có quốc tịch Việt Nam thì ta có từ chối không cho họ về không? Nếu như quy định của điều 26 này thì họ không được quay về. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nên có một điều quy định ngoài trường hợp này ra thì chính phủ nên có quy định cụ thể chi tiết điều này để tháo gỡ cho những trường hợp như tôi đã nêu ở trên.

Ở đây tôi băn khoăn là vấn đề này đã được Bộ quốc phòng tham gia ý kiến và được ban soạn thảo đưa vào tại lần soạn thảo thứ 5, nhưng không hiểu tại sao ở lần thứ 6 này lại loại ra. Theo tôi nên đưa vào lại để công dân chúng ta khi không còn giấy tờ nữa vẫn có điều kiện quay về đất nước.

Thái Bình (ghi)