Anh bạn công tác ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh bảo, các nghiên cứu y tế gần đây cho thấy, chất nicotine trong thuốc lá khiến người hút bị nghiện, dần dần lệ thuộc vào thuốc lá. Vài giây sau khi hút thuốc, nicotine có tác dụng hưng phấn lên vỏ não, sự hưng phấn đó được não bộ ghi nhớ. Một thời gian sau, nicotine giảm dần, trạng thái “phê” cũng qua đi, não bộ buộc người nghiện tiếp tục hút để cung cấp nicotine.

Với người thường xuyên hút thuốc lá, nếu thiếu nicotine, não sẽ bị “tắc nghẽn”, gây cảm giác thiếu tỉnh táo, thiếu linh hoạt. Điều này khiến người nghiện phải hút thêm và đòi hỏi lượng nicotine ngày càng lớn. Đây là lý do khiến nhiều người hút khó bỏ vì không thể cưỡng lại nhu cầu tìm đến khói thuốc, dẫn đến là nghiện thuốc lá.

Bác sĩ tư vấn bỏ thuốc lá tại Phòng khám Âu Lạc Thanh Sơn, TP. Huế

Theo các bác sĩ, nghiện thuốc lá không phải là thói quen mà là một loại bệnh cần điều trị. Mà bệnh thì sẽ có phương pháp để điều trị. Tuy nhiên trị bệnh nghiện thuốc lá có nhiều phương pháp. Có thể dùng thuốc thay thế, miếng dán, thực phẩm chống thèm thuốc... nhưng hơn hết vẫn phụ thuộc vào ý chí con người, một yếu tố quyết định sự thành bại khi cai nghiện thuốc lá.

Ông P.Đ.Q, công tác ở Trung tâm Y tế huyện Phú Vang chia sẻ, từ ngày bước vào ngành y, ông đã có "thâm niên". Ông Q. hút thuốc nhiều đến mức các ngón tay kẹp thuốc "hóng" vàng. Mỗi lần mua thuốc lá, thay vì một gói, ông mua luôn vài cây trữ ở nóc tủ.

Thế nhưng, trong một lần nghe bệnh nhân bĩu môi: "Bác sĩ mà hút thuốc như làm khói", ông dừng hẳn. Quyết định của ông làm cho người thân không thể tin ông có thể bỏ thuốc nhanh chóng, đơn giản. Ông nói: "Ban đầu cảm giác thiếu khó chịu trong người, nhưng từ từ hễ thấy ai phì phèo thuốc lá mình phải tránh, không chịu được khói thuốc".

Anh VKT, nguyên giáo viên ở Trường THCS Thủy Lương, TX. Hương Thủy tâm sự: "Anh hút thuốc lá thuộc vào diện có tiếng. Chỉ một năm sau, anh cảm thấy có hiện tượng hay khó thở vào buổi sáng. Qua đợt điều trị dài ngày ở BV Trung ương Huế, bác sĩ khuyên nên bỏ thuốc lá để tốt cho sức khỏe mạnh, từ đó anh bỏ hẳn. Anh nói: "Khi quyết tâm bỏ thuốc, tôi để sẵn múi bưởi trong túi, mỗi lúc nhạt miệng là bóc bưởi ngậm. Cứ thế, mức độ nhạt miệng giảm dần. Đến ngày thứ 7 thì không còn thèm thuốc lá nữa”. Theo anh, dù "bí quyết" là tép bưởi nhưng điều giúp thầy thành công chính là sự quyết tâm của bản thân, nhờ "cái đầu" quyết định ý thức-thực sự muốn bỏ mới bỏ được. Nếu cai vài ngày hay vài ba tháng xong lại hút thì chưa phải quyết tâm. Bất kể trong hoàn cảnh nào, nếu bạn bè mời hút một điếu cho vui phải thẳng thắn từ chối.

Ông Thái Văn Khoa, Phó khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, CDC tỉnh cho rằng, thuốc lá dễ nghiện và khó bỏ. Tuy nhiên, không phải là không bỏ được. Muốn thành công, quan trọng vẫn ý thức, "cái đầu" điều khiển để quyết định một việc làm đúng, có lợi cho bản thân.

Bài, ảnhMinh Văn