Thu hoạch lúa đông xuân

Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ

Thừa Thiên Huế có trên 80% số hộ không có nhu cầu sử dụng rơm rạ sau khi thu hoạch. Số rơm rạ sau thu hoạch đa phần được đốt ngay tại đồng, số ít sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò hoặc sản xuất các loại nấm.

Việc đốt đồng sau mỗi vụ thu hoạch làm cho 1 lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi. Nếu đốt đồng nhiều lần và lâu dài làm cho đất biến chất và chai cứng. Ngoài ra, việc đốt rơm rạ sẽ bỏ đi 1 lượng phân bón, chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây lúa; tiêu diệt côn trùng có ích, làm mất cân bằng hệ sinh thái trên ruộng lúa. Do đó, người nông dân phải sử dụng 1 lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lớn cho đồng ruộng, tăng chi phí sản xuất.

Theo tính toán của các nhà khoa học, 1 tấn rơm chứa 5 – 8kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silíc, 400kg cácbon. Việc đốt rơm rạ sau thu hoạch ngay tại đồng sẽ gây ô nhiễm môi trường, hạn chế tầm nhìn, gây tai nạn giao thông.

Trước thực trạng nêu trên, Viện nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ sinh học, Tập đoàn Quế Lâm đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm vi sinh có chứa nấm đối kháng, tác dụng cao trong việc thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại cuộc họp 

Theo đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn Quế Lâm, men vi sinh Quế Lâm có khả năng tiêu diệt và khống chế ngăn ngừa các loại nấm bệnh hại cây trồng gây bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ, chết yểu, héo rũ. Ngoài ra, chế phẩm này còn tạo điều kiện tốt cho vi sinh vật cố định đạm phát triển sống trong đất trồng, kích thích sự tăng trưởng và phục hồi bộ rễ cây trồng. Phân giải tốt các chất xơ, chitin, ligin, pectin... trong phế thải hữu cơ thành các đơn chất dinh dưỡng, giúp cho cây hấp thụ được dễ dàng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng men vi sinh kết hợp với phân hữu cơ sẽ giúp cải tạo đất xốp hơn, chất mùn nhiều hơn, tăng mật độ côn trùng có ích và giữ được độ phì của đất. Hạn chế hiện tượng nghẹt rễ do ngộ độc chất hữu cơ và vàng lá sinh lý cho cây trồng, giúp cây trồng ra rễ cực mạnh. Qua đó, tăng sức đề kháng cho cây trồng, hạn chế việc sử dụng các phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hóa học độc hại.

Cần có nghiên cứu chuyên sâu phù hợp canh tác địa phương

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, việc đưa chế phẩm vi sinh có chứa nấm đối kháng thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ là giải pháp quan trọng hạn chế việc đốt rơm rạ, giảm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Tuy nhiên, chế phẩm này chỉ sử dụng trong vụ hè thu vì đất cần nghỉ ngơi và rơm rạ cần thời gian để phân hủy. Còn vụ đông xuân thì không do thời gian thu hoạch đến gieo sạ lại vụ hè thu rất ngắn, chỉ từ 10 đến 15 ngày.

Đó cũng là ý kiến của rất nhiều cơ quan, đơn vị tại cuộc họp. Các ý kiến cũng chỉ ra quy trình xử lý còn hạn chế so với thời gian gieo cấy của vụ mùa tại Thừa Thiên Huế, cần có nghiên cứu chuyên sâu phù hợp với tình hình canh tác địa phương.

 Người dân có thói quen đốt rơm rạ sau thu hoạch

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương giao sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn Quế Lâm tiếp tục nghiên cứu ứng dụng chế phẩm vi sinh phân hủy phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương. Đồng thời đề nghị các Sở, ban ngành tạo điều kiện thuận lợi để cho Công ty nghiên cứu và sớm áp dụng giải pháp trên vào thực tiễn. Qua đó, góp phần đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn và hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp nông dân hiểu rõ hơn về tác hại của việc đốt rơm rạ; tác dụng của việc dùng chế phẩm sinh học vào xử lý rơm rạ sau thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Hoàng Loan