Cô và trò Trường tiểu học Trần Quốc Toản trong ngày khai giảng (Ảnh: đơn vị cung cấp)

Siết chặt học đúng tuyến

Bức tranh trái tuyến phản ánh nhiều vấn đề xã hội. Đó là chất lượng giáo dục (cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học, chất lượng đội ngũ giáo viên…) và cả nhận thức xã hội, tâm lý phụ huynh dẫn đến việc tranh đua cho con học trường "chất lượng". Đã có lúc, phụ huynh tìm mọi cách nhập hộ khẩu cho con để có một suất học ngôi trường mà họ cho là chất lượng. Thế nên có năm, các trường tiểu học ở trung tâm TP. Huế phải cương quyết từ chối hàng chục hồ sơ nhập học vì hộ khẩu không hợp lệ.

Phụ huynh muốn con có một nơi học tốt là bình thường, nhưng đối phó với việc "chạy trường" lại là mối lo của các nhà quản lý giáo dục. Tình trạng trường quá tải khi đông học sinh trái tuyến, trường lại không tuyển đủ học sinh gây ra những bất cập dẫn đến tiêu cực. Có lúc, nhiều trường phải phối hợp với hệ thống chính quyền, đoàn thể ở địa phương đến từng nhà vận động các em học đúng tuyến.

Thế nên, không khó để hiểu tại sao lại có những quy định của ngành giáo dục cốt để làm “khó” phụ huynh. Hội đồng tuyển sinh trường chỉ được tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh theo địa bàn quy định, còn học trái tuyến vẫn do Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế quyết định. Nghĩa là, phụ huynh phải xin qua “hai vòng” khiến không ít người... nản. Những địa bàn có học sinh xin học trái tuyến, trách nhiệm sẽ được quy về trường và địa phương khi chưa làm tốt công tác tuyển sinh. Cơ chế bắt buộc học sinh học đúng tuyến đã tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh đầu cấp có chất lượng hơn. Ngay các trường cũng phải phát huy nội lực, nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo “thương hiệu” để giữ chân học sinh.

Thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế cho thấy, năm học 2019 -2020, toàn thành phố tuyển sinh vào lớp 1 khoảng 6.700 học sinh ở 33 trường tiểu học (giảm 300 em so với năm ngoái). Nguyên nhân giảm là do cơ cấu dân số, cộng thêm ý thức của phụ huynh khiến công tác tuyển sinh đầu cấp ở Huế không còn "nóng" như trước. Sẽ không khách quan nếu khẳng định tình trạng học trái tuyến không còn xảy ra. Trong vòng 3 năm trở lại đây, tình trạng vượt tuyến của học sinh lớp 1 giảm nhiệt đáng kể. Một số ít học sinh xin học trái tuyến để phù hợp với nhu cầu đưa đón con của gia đình.

Theo ông Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP. Huế), do là trường đạt chuẩn quốc gia nên tỷ lệ học sinh không quá 35 em/lớp. Trường chỉ chiêu sinh các em ở địa phương, còn nguyện vọng trái tuyến chỉ giải quyết cho một số ít học sinh theo bố mẹ lên Huế để sinh sống, làm việc. Nhu cầu của phụ huynh xin cho con học trái tuyến đã ít lại.

Học gần nhà - nhất cử lưỡng tiện

Nhà ở phường Thủy Xuân (TP. Huế), chị Nguyễn Diệu Trang cho con gái vào học lớp 1 tại Trường tiểu học Thủy Xuân. “Cho con đi học đúng tuyến, mình thấy nhất cử lưỡng tiện. Bởi lẽ, kiến thức ở bậc tiểu học, đâu phải chỉ có “trường điểm” mới dạy cho con học giỏi”, chị Trang thổ lộ. Vì con học đúng tuyến nên chị ung dung, đợi đến khi trường tuyển sinh mới đem giấy khai sinh, hộ khẩu của con ra trường để làm thủ thục nhập học.

Chất lượng dạy và học của giáo viên ở các trường vùng ven giờ đây khá đồng đều. Bình quân, các trường đều đạt tỷ lệ 1,5 cô/ lớp. Thậm chí, nhiều trường ngoại ô còn trẻ hoá đội ngũ để thay đổi chất lượng giáo dục trong thời đại công nghệ số. Tỷ lệ học sinh đạt các giải từ cấp thành phố đến tỉnh đều rải đều ở các trường, trong đó, có nhiều giải cao thuộc về học sinh các trường vùng ven.

Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ với số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng/năm, nhất là ưu tiên cho các trường xuống cấp. Trên 92% trường tiểu học trên địa bàn TP. Huế học hai buổi/ ngày và có đến 32/34 trường tổ chức học bán trú, thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón.

 “Các trường tiểu học vùng ven chuyển biến rất rõ, đặc biệt, chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học được phát triển toàn diện. Nhiều trường ngoại ô với lợi thế về quỹ đất nên tạo được không gian sư phạm chuẩn mực khi có sân chơi, bãi tập… để các em rèn luyện kỹ năng sống”. Ông Lâm Thủy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế thông tin.

Tư tưởng của nhiều gia đình trẻ cư trú tại vùng ngoại ô TP. Huế, cứ cho con học gần nhà là tốt nhất. Còn về vĩ mô, để giảm trái tuyến chỉ có bài toán xây dựng cơ sở hạ tầng, luân chuyển đội ngũ giáo viên giỏi đồng đều ở các trường thì tình trạng “chạy trường, chạy lớp” mới giảm nhiệt.

Huế Thu