Theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang chăm sóc, dạy nghề và phục hồi chức năng cho 505 bệnh nhân tâm thần và 11 học viên cai nghiện ở trong và ngoài tỉnh. Một thực tế đáng ngạc nhiên là trải qua 33 năm đi vào hoạt động, từ khi thành lập đến nay, dù đã rất nhiều lần đăng tuyển nhưng đơn vị này vẫn không thể tuyển dụng được một bác sĩ đa khoa nào.
Ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chia sẻ: “Trung tâm vừa tiếp quản học viên cai nghiện, vừa có bệnh nhân khuyết tật nặng và đặc biệt nặng về thần kinh. Các bệnh nhân còn mắc phải nhiều bệnh lý khác. Có những trường hợp có thể điều trị tại chỗ nhưng do không có bác sĩ, dẫn đến việc không thể chẩn đoán và chữa trị nên phải đưa bệnh nhân về các bệnh viện để thăm khám”. Có nhiều lý do, có thể trung tâm ở khá xa thành phố, làm việc trong môi trường mang tính đặc thù, áp lực công việc lớn và việc phát triển tay nghề hạn hẹp nên không thu hút được bác sĩ về làm việc.
Do không có bác sĩ nên việc chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ bệnh nhân phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ y tế gồm 5 y sĩ đa khoa, 2 điều dưỡng (hệ cao đẳng), 10 hộ lý và 1 quản lý kho dược. Chúng tôi có dịp theo ông Nguyễn Việt Chung, Trưởng phòng Y tế, Phục hồi sức khỏe, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để hiểu hơn một ngày làm việc của các bộ y tế ở đây. Đội ngũ hộ lý giúp bệnh nhân tắm rửa, cơm nước, trang cấp quần áo, giày dép, sinh hoạt cá nhân. Cán bộ điều dưỡng, y sĩ đa khoa phụ trách từng nhóm bệnh nhân, theo dõi tình hình sức khỏe, cấp phát thuốc.
Dù tất bật với công việc, cán bộ vẫn luôn tươi cười, thăm hỏi, trò chuyện về cuộc sống thường ngày với bệnh nhân. Ông Nguyễn Việt Chung cho hay: “Muốn làm việc ở đây thì cần có tâm huyết, bởi đây là công việc áp lực trong một môi trường phức tạp, đòi hỏi mỗi cán bộ phải nắm bắt được tâm lý của từng bệnh nhân, phải luôn nhẹ nhàng, điềm đạm để đề phòng tình huống xấu xảy ra”.
Để giải quyết trước mắt vấn đề thiếu bác sĩ, trung tâm phối hợp với Bệnh viện Tâm thần tỉnh hỗ trợ bác sĩ khám hai tuần một lần để sàng lọc bệnh nhân. Vậy nhưng, về lâu dài, trung tâm vẫn cần có một đội ngũ chuyên môn thường trực tại trung tâm để thực hiện tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân, giúp họ sớm có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Các cán bộ công tác tại đây cho rằng, trung tâm cần có đội ngũ các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa nội và chuyên khoa tâm lý, hoặc ít nhất là nên có một bác sĩ đa khoa. Nếu có bác sĩ, trung tâm có thể thành lập trạm xá, có chức năng thăm khám, chăm sóc sức khỏe tại chỗ ban đầu cho bệnh nhân.
Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết, tại cuộc họp về công tác phòng, chống ma túy ngày 13/5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Y tế, Sở Nội vụ phối hợp tham mưu chính sách luân chuyển, bổ sung, biệt phái cán bộ y tế cho trung tâm cai nghiện (thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) đảm bảo 1 tuần có 3 – 4 ngày có cán bộ tăng cường cho trung tâm, đồng thời, có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ được tăng cường. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp để thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm giúp Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bài, ảnh: Phước Ly