Nở nụ cười rất nhiều cảm xúc, bạn kể: “Hôm đó mình chuẩn bị rời khỏi cơ quan. Xuống chưa hết chân cầu thang đã nghe tiếng va cửa đánh rầm. Một cô bé vừa xoa đầu, vừa sửa lại dép, xiêu vẹo đi vào. Hỏi nhưng em không trả lời, nên mình níu tay em lại. Em lúc ấy mới lục lục cái túi mang theo lôi ra hộp bút. À thì ra em bị câm, điếc, khiếm thị, đi bán bút mưu sinh. Đưa 20 nghìn đồng, mình nói tặng em và xua tay ra hiệu không lấy bút. Em không cầm tiền, cũng xua tay và quay người định bỏ đi. Mình đành cầm cây bút kim.

Có vẻ như còn có vấn đề về cử động, em đi cùng cái cổ ngắc nghoẻo, hai tay co giật. Ra đến cổng em còn bị va thêm lần nữa. Trong lòng dâng lên sự thương cảm, mình đuổi theo ra đến tận đường lớn và níu em lại. Lúc này mình đã trùm áo chống nắng kín mít nên em nghĩ mình là người khác. Em lôi bút ra, lấy một mảnh giấy ghé sát mắt viết lên mấy dòng run rẩy: “cô mua bút giúp con”, đồng thời đưa ra hộp bút màu vàng. Mình viết vào mảnh giấy hỏi giá 100 nghìn đồng phải không? Em lắc đầu, lại ghé sát mắt viết 50 nghìn đồng một cây bút vàng. Mình cầm 1 cây, đưa em 100 nghìn đồng. Em mở cả ngăn tiền ra hiệu cho khách tự lấy tiền thối lại. Trong đó có nhiều tờ 100 và vài tờ 200 nghìn đồng, nghĩa là nhiều người tốt đã không làm ngơ trước hoàn cảnh kém may mắn, mua bút ủng hộ em. Mình xua tay ra hiệu không cần phải thối tiền, ấy vậy mà em nhất định đưa thêm 1 cây bút nữa. Mắt mình cay xè vì xúc động bởi em là cô gái nhỏ thân thể tàn tật, nhưng có tâm hồn và nghị lực thật mạnh mẽ, khảng khái, cũng bởi những tấm lòng yêu thương dành cho những hoàn cảnh như em”. 

Bạn bảo, từ lâu vốn chỉ quen viết trên máy tính, nhưng hôm nay bạn đã dùng cây bút này để viết, với những cảm xúc dâng trào. Những cảm xúc tin yêu và xúc động về những lòng tốt, những nghị lực vượt qua nghịch cảnh để sống cuộc đời có ích.

Quỳnh Anh