Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm nay có xu hướng giảm, nhưng các thí sinh có xu hướng lựa chọn các trường đại học có uy tín để đăng ký xét tuyển với mục đích dễ dàng tìm kiếm việc làm khi tốt nghiệp.

Khối ngành Kinh doanh - Pháp luật có số thí sinh đăng ký nhiều nhất

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2019 là hơn 653.000, giảm 5,14% so với năm 2018. Tổng số nguyện vọng thí sinh đăng ký là hơn 2,5 triệu nguyện vọng, giảm 6,37% so với 2018.

Học sinh trường THPT Hưng Yên ôn tập trước kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Phân tích tổng chỉ tiêu xét tuyển theo nhóm ngành, khối ngành V (Toán và Thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và Thủy sản, Thú y) có số chỉ tiêu nhiều nhất (159.349 chỉ tiêu), sau đó là khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, Pháp luật) có 126.473 chỉ tiêu; khối ngành VII (Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng) có 104.769 chỉ tiêu. Khối ngành II (Nghệ thuật) có số chỉ tiêu thấp nhất (5.092 chỉ tiêu).

Xét về số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, thí sinh đăng ký vào khối ngành III nhiều nhất, với 822.956 nguyện vọng, tiếp đến là khối ngành VII có 739.587 nguyện vọng và khối ngành V có 641.157 nguyện vọng.

Dựa vào tổng chỉ tiêu và tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển các ngành năm 2019, số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, khối ngành VII có tỉ lệ chọi cao nhất là 1/7. Tiếp sau đó là khối ngành III với tỷ lệ chọi là 1/6,5; khối ngành VI (Sức khỏe) là 1/5,8.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lý giải: Khối ngành VII dẫn đầu về tỷ lệ chọi do trong khối ngành này có các ngành nhóm An ninh, quốc phòng, tuy chỉ tiêu ít nhưng số nguyện vọng đăng ký rất cao nên kéo tỷ lệ chọi chung của khối ngành cao lên. Tương tự, khối ngành Sức khỏe tuy tổng số nguyện vọng đăng ký không nhiều (199.573) nhưng do đặc thù chỉ tiêu tuyển sinh thấp (34.352) nên cũng đẩy tỷ lệ chọi lên cao.

So với năm 2018, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay nhìn chung  giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, thí sinh có xu hướng “dồn” nguyện vọng cho những trường đại học uy tín. Vì vậy, các trường có số lượng nguyện vọng đăng ký lớn nằm ở nhóm trường đã tạo được thương hiệu, trường có quy mô lớn, trường đa ngành đại diện cho vùng... Các thí sinh có ý thức, trách nhiệm với nguyện vọng của mình, đăng ký khá tập trung, không chọn quá nhiều nguyện vọng và không chọn quá nhiều trường, trung bình mỗi thí sinh đăng ký khoảng 4 nguyện vọng.

Tỷ lệ “chọi” của các trường top đầu tăng

Nhận xét về xu hướng đăng ký xét tuyển đại học 2019, đại diện nhiều trường đại học cũng cho rằng, thí sinh năm nay đã chủ động, quyết tâm hơn khi lựa chọn hướng đi cho tương lai. Xu thế lựa chọn của thí sinh hướng đến những mô hình đào tạo thực tiễn, đào tạo để làm việc ngay với hy vọng tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường.

Từ đầu năm học, Ban Giám hiệu cùng các thầy cô trong tổ bộ môn trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng đã đưa ra phương án ôn tập, hệ thống kiến thức cũng như thi thử cho các em học sinh khối 12, để các em làm quen và có tâm thế vững vàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay, lượng đăng ký nguyện vọng 1 vào trường đã tăng từ 24.000 năm 2018 lên gần 33.000 thí sinh năm 2019. So với tổng chỉ tiêu 6.680 ở tất cả các ngành/nhóm ngành, trường có tỷ lệ “chọi” tương đương 1/5. Đặc biệt, chất lượng thí sinh đăng ký dự thi vào Trường Đại học Bách khoa khá tốt. Thống kê sơ bộ, có 2.748 thí sinh của 43 trường trung học phổ thông chuyên đăng ký xét tuyển vào trường năm 2019. Trong đó, đông nhất là Trường Trung học Phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Trung học Phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam... Một số ngành có lượng thí sinh đăng ký đông là Công nghệ thông tin, Kỹ thuật cơ điện tử…

Ông Trần Văn Tớp chia sẻ, điểm ngưỡng đầu vào của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2018 không có ngành nào dưới 20 điểm. Với xu hướng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh như năm nay, điểm chuẩn có thể tăng nhẹ.

Nằm trong số các trường “top” đầu, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng có tỷ lệ “chọi” cao, khoảng 1/7. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường năm nay  là hơn 41.000, tăng 30% so với năm 2018; trong khi đó, tổng chỉ tiêu vào trường  là 5.650 chỉ tiêu.

Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Dải điểm trúng tuyển năm nay của trường được dự đoán có nhiều biến động. Một số ngành có lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 nhiều thì điểm chuẩn có thể tăng, các ngành mới mở sẽ có điểm chuẩn khá thấp.

Đáng chú ý, trong khối ngành Sức khỏe, năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký vào trường tăng đáng kể, với 17.600 nguyện vọng, trong khi chỉ tiêu của trường là 1.120 sinh viên. Như vậy, tỉ lệ chọi trung bình khoảng 1/16. Xét riêng nguyện vọng đối với từng ngành, tỉ lệ chọi trung bình khoảng từ 1/10 đến 1/20.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội lưu ý thí sinh, tỉ lệ “chọi” chỉ là một yếu tố tham khảo. Con số này không nói lên được nhiều, nếu không cẩn thận sẽ gây nhiễu cho thí sinh. Trên thực tế, việc xét tuyển còn phụ thuộc vào chất lượng thí sinh đăng ký và thứ tự ưu tiên các nguyện vọng. Do vậy, thí sinh không nên lo lắng mình sẽ không có cơ hội khi đăng ký vào các trường có tỉ lệ chọi cao.

Theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, thí sinh còn một lần thay đổi nguyện vọng sau khi đã biết điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia. Cụ thể, trước ngày 22/7, các trường công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 29/7. Thời gian điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu đăng ký xét tuyển từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7. Vì vậy, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ để cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp, tránh bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vào các trường mà mình mong muốn.

Theo TTXVN