Bìa tác phẩm. Ảnh: A. Túc

Ngay từ tiêu đề của tác phẩm, người viết đã biết đi sâu vào bản chất, nắm bắt những vấn đề cốt tử, chú trọng những chi tiết hồn cốt của nó, để từ đó “lẫy” ra những hạt sáng lấp lánh, thể hiện rõ nội dung, mối quan tâm hoặc nắm “thóp” được tính cách của từng nhân vật: người điển hình cho phong cách Huế, là “mệ” Huế thuộc dòng hoàng phái như dịch giả Bửu Ý, anh gọi là Một người Huế từ muôn kiếp trước; một nhà thơ tài danh, từng giữ cương vị lãnh đạo đất nước, nay nghỉ hưu trở về với thơ và cuộc sống dân thường như Nguyễn Khoa Điềm, anh đặt vào tâm thế Giờ chỉ còn chường mặt ra trong thơ; nhà nghiên cứu văn hóa với tư duy phản biện khoa học một cách sắc sảo và tính cách hay “gây” làm cho người ta phải kiêng dè như Nguyễn Đắc Xuân, anh dõi theo hướng nhìn Thấy mặt là… nghe cãi; một võ sư không chỉ dạy người ta tư duy bằng nắm đấm mà chủ yếu là dạy đạo làm người như Nguyễn Văn Dũng, anh coi Võ đường là trường học; với một người chuyên nghiên cứu về các loại cây xanh ở Huế như Đỗ Xuân Cẩm, anh ngước nhìn lên Cổ thụ giữa vòm xanh Huế; đối với nhà sư chữa bệnh cứu người Thích Tuệ Tâm, anh gọi là Sư không mặc áo vàng; đối với linh mục say mê với văn hóa dân tộc Phan Xuân Thanh, anh nhận ra rằng ông quan niệm Người công giáo Việt phải hiểu biết về văn hóa Việt…

Trong cuộc trò chuyện với tiến sĩ triết học Thái Kim Lan, một người từng sống ở nước ngoài hơn bốn mươi năm, nhưng Chạy trời không khỏi Huế, bởi vì “trong máu mình hình như Huế luân lưu sâu nặng. Đến nỗi nhiều khi giận Huế, tưởng từ nay sẽ không trở lại. Ấy thế mà vừa quay lưng thì lòng đã muốn trở về. Nó hầu như là một thôi thúc bản năng, chứ không phải như người ta nghĩ chắc có toan tính chi mới đi về” (tr.138). Đây là một trong những cuộc trò chuyện “thú vị” nhất tập sách, từ đề tài, diễn biến, câu hỏi đến câu trả lời, hình như giữa người hỏi chuyện và người trả lời có mối tương thông như tri âm tri kỷ, không chỉ thể hiện được nội dung mỹ cảm mà còn cựa quậy một sức sống của ngôn từ văn chương hình tượng, giải thích về cái chất Huế vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa gần gũi, vừa xa xôi: “Nó là điều gì đó dính líu đến cả toàn thể không gian, bầu trời, con người, lịch sử, địa dư, giáo dục, gia đình, truyền thống… và toàn bộ ý thức, cảm thức tập thể về vẻ đẹp như là nhu cầu văn hóa của nơi chốn con người sinh sống. Có lẽ điểm yếu của người Huế từ xưa là khao khát yêu thương cái đẹp và chính tình yêu này cưu mang trong chính thân phận mình vẻ đẹp của “đất thần… kinh” (mà đó là nền văn hóa Huế), lại tạo nên sức sống bền bỉ và niềm tin của con người nơi đây. Hoặc đối với những người có tư duy duy lý chặt chẽ như Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Duy Hiền, Trần Đức Anh Sơn, người hầu chuyện cũng biết tìm cách khơi gợi, dẫn dắt để người được hỏi chuyện có thể dốc hết gan ruột, thể hiện hết mình về những vấn đề lâu nay vẫn trĩu nặng trong tâm hồn, mà người đọc cũng đang hết sức quan tâm...

Tôi hình dung công việc chuẩn bị của Hoàng Văn Minh cho những cuộc trò chuyện là hết sức cẩn trọng. Anh vừa phải tìm hiểu tính cách người được hỏi, xâm nhập đề tài, chuẩn bị đề cương, tạo ra hoàn cảnh, tâm thế giao tiếp và cả tâm thế tiếp nhận câu trả lời. Có những trường hợp, không cần biết người ta trả lời như thế nào, chỉ cần xâu chuỗi tất cả câu hỏi lại, tự nhiên nội dung vấn đề từ đó đã hiện rõ.

Ở trang bìa 4 cuốn sách, nhà văn tài danh Vĩnh Quyền (mà theo tôi, “mệ” Quyền cũng là một người Huế thú vị) có viết rằng: “Nói nôm na “trò chuyện”, nghe quen và xưa cũ, thực ra Hoàng Văn Minh không giấu được tham vọng về một cách thể hiện mới trên loại hình phỏng vấn báo chí khi thường xuyên trở thành nhân vật cộng hưởng bên cạnh nhân vật chính của chuyện, không né tránh tranh cãi, cũng không ngại thu mình lại trong cảnh giới độc thoại, khiến ta ngờ rằng, dẫu đang trò chuyện với “người Huế thú vị”, nhưng nếu “người hầu chuyện” không đau đáu với câu hỏi mình đặt ra, không dày công nghiên cứu đề tài, thậm chí âm mưu “gài bẫy” thì cuộc trò chuyện kia biết đâu sẽ không có những chi tiết bật ra đúng lúc, vang lên bất ngờ để làm nên cái gọi là “thú vị”…

Cái hình tượng tác giả nhỏ nhoi của một nhà báo, đã vượt qua cái tôi chủ thể, phân thân và nhập vai một cách tương thích với nhiều nhân vật có nhiều cá tính khác nhau, nhiều cách hành ngôn khác nhau, để tìm một mối liên hệ chung, đi đến một mẫu số chung, là cùng quan tâm đến văn hóa Huế. Đó cũng chính là cách lập ngôn của Hoàng Văn Minh và thành công lớn nhất của anh cũng chính là ở đó.

Phạm Phú Phong