Ở Thừa Thiên Huế, qua kiểm tra một số tổ chức Đảng, UBKT cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác cán bộ. Cái sai nhiều nhất là không thực hiện tốt nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ. Cán bộ được đề bạt thiếu tiêu chuẩn theo quy định, không đúng quy hoạch cũng không ít…

Chúng ta có thể hình dung con số sai trong việc đề bạt cán bộ nêu trên là quá lớn. Cứ hình dung một xã vài ngàn, chục ngàn dân; có xã chỉ 3 - 4 ngàn dân, như ở miền núi… thì con số 56.000 trường hợp sai phạm là lớn như thế nào?.

Công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Có cán bộ tốt thì công việc sẽ tốt, mọi phong trào đều tốt.

Tại sao số cán bộ quản lý được đề bạt sai quy định, quy trình, tiêu chuẩn lại nhiều đến vậy? Chắc chắn ít nhất chúng ta đã không làm tốt trong những việc sau: Trước tiên, đó là nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Những quy định của Đảng về công tác tổ chức, sinh hoạt, quy chế, công tác phối hợp giữa Đảng và chính quyền trong mọi lĩnh vực là không thiếu. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cũng vậy. Gần đây, Đảng còn ban hành nhiều quy định để “nhận diện” đảng viên vi phạm về đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa… như Nghị quyết TW 4 (khóa XII). Quy định những điều đảng viên không được làm đã có. Xây dựng một người cán bộ, đảng viên tốt, Bác Hồ của chúng ta đã đề cập từ lâu, trên mọi phương diện. Tức là mọi quy định của Đảng về công tác quản lý, sinh hoạt, điều hành… đảm bảo để tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh đã có. Có nhưng sao lại sai nhiều trong công tác đề bạt cán bộ như vậy? Chắc chắn có nguyên nhân là công tác sinh hoạt Đảng trong thực tế đã thực hiện không tốt. Công tác phê bình và tự phê bình không làm đến nơi đến chốn. Vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm…, thậm chí là biết sai nhưng “im lặng” để lấy lòng còn nhiều.

Thứ đến, quyền lực của nhiều người, nhất là người đứng đầu không được kiểm soát chặt chẽ. Vừa qua, Trung ương đã xử lý hàng loạt cán bộ cấp cao ở nhiều tỉnh, thành đã cho thấy điều này. Ở đây có vai trò của công tác kiểm tra, giám sát làm chưa tốt nên chưa kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót. Không phát hiện ra không phải ít mà quá nhiều, như trên đã nêu. Rất có thể có sự chi phối khá mạnh bởi những người có quyền lực. Đảng cần phải xem xét lại thực tế này, phân tích những “kẽ hở nào chưa được bịt kín” để đề ra những quy định điều chỉnh sát với thực tế. Nếu không tạo dựng được một thế đứng tốt cho các tổ chức có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thì những sai phạm trên có thể vẫn còn tiếp diễn trong tương lai.

Chúng ta cũng thấy thấp thoáng ở đâu đó không làm tốt công tác “phát huy dân chủ ở cơ sở”. Dân chủ, nếu không được phát huy tốt thì đó chính là dân chủ hình thức. Có đầy đủ quy chế thực hiện dân chủ nhưng dân chủ không được phát huy. Có dân chủ nhưng nhiều người, nhất là người đứng đầu lại tìm nhiều cách (từ chính thức đến không chính thức) để tác động làm méo mó tính chất dân chủ thật sự… Một khi dân chủ hình thức trở thành phố biến thì đó cũng chính là mối nguy cho sự tồn tại của mọi tổ chức. Mọi điều không tốt đẹp có thể bắt đầu từ đây.

Lê Phương