Không còn đất trống, đất hoang hóa

Nhiều vườn ươm giống rừng trồng được đầu tư đáp ứng nguồn giống chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Trọng, Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp, tuy đạt được những thành công, song nhìn tổng thể, dịch vụ khuyến lâm vẫn còn hạn chế, mới tập trung vào khâu sản xuất, cung cấp giống, quy trình lâm sinh, chăm sóc rừng mà chưa có các tư vấn hỗ trợ về quy hoạch sử dụng đất quy mô hộ gia đình, trang trại, việc xây dựng các khu rừng để cấp chứng chỉ chưa được nhiều. Trong khi đó, theo quy hoạch đến năm 2020 có ít nhất 30% diện tích đất rừng được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn, tiêu chí của FSC.

Các khu rừng đặc dụng tiếp tục được bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng để vừa bảo tồn nguồn gen động thực vật quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa. Loài cây được chọn phục vụ trồng rừng đặc dụng, như lim xanh, huỷnh, sến, muồng đen...

Rừng phòng hộ được tập trung quản lý và phát triển tại các khu vực đầu nguồn các con sông, hồ đập thủy điện, hành lang biên giới, ven biển. Ngoài ra, còn được coi trọng đầu tư trồng rừng phòng hộ tại các khu công nghiệp, khu du lịch biển, khu công cộng. Để tăng khả năng chống chịu tốt, sinh trưởng nhanh, các loài cây ưu tiên chọn trồng rừng phòng hộ đầu nguồn như trám, sến, sao đen, dầu rái; rừng phòng hộ ven biển, chắn gió cát như phi lao, keo chịu hạn, keo tai tượng, dứa dại...; rừng phòng hộ môi trường như sấu, sưa, sao đen, sến trung...
Rừng sản xuất cũng được đầu tư và phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất rừng trồng, phát triển công nghiệp chế biến với công nghệ hiện đại để tiết kiệm nguyên liệu, đẩy mạnh xuất khẩu lâm sản từ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ, góp phần tăng giá trị thành phẩm trên một đơn vị kinh doanh. Loài cây trồng có khả năng sinh trưởng nhanh, cho sinh khối lớn được ứng dụng trồng rừng sản xuất như keo các loại, kết hợp một số loài cây bản địa phục vụ phát triển rừng đặc sản. Các địa phương, đơn vị trồng rừng nghiên cứu và tuyển chọn các giống cây trồng thích nghi trên các dạng lập địa, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tạo giống cây trồng như công nghệ dâm hom, nuôi cấy mô và kinh nghiệm sản xuất cây giống bản địa trong nhân dân để sản xuất giống chất lượng cao như trám, ươi, huỷnh, vạn, quế, trầm hương...
Công tác giao rừng và đất lâm nghiệp được đẩy mạnh thực hiện từ năm 2005 đến 2013, với tổng diện tích đã giao khoán hơn 14.035 ha. Diện tích dự kiến bàn giao cho các địa phương đến năm 2015 thêm gần 3.611 ha. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng, các hộ nghèo có đất sản xuất, nâng cao đời sống. Hầu hết diện tích đất trống, rừng giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, không có tình trạng để đất hoang hóa. Điều này một phần do lợi ích từ rừng trồng trong những năm gần đây đã đem lại nguồn thu đáng kể cho người trồng rừng. Sản phẩm chủ yếu của rừng trồng là gỗ nguyên liệu dăm giấy, ngoài ra rừng trồng còn cung cấp một tỷ lệ không nhỏ gỗ lớn phục vụ nhu cầu làm hàng dân dụng. Bình quân, 1 ha rừng keo 7 năm tuổi đem lại doanh thu khoảng 50 triệu đồng, có nơi lên đến 90 triệu đồng.
Xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn
Để lĩnh vực lâm nghiệp trở thành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chiếm ưu thế trên thị trường trong nước và xuất khẩu, ngành lâm nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp về khoa học công nghệ, đào tạo, về vốn... Những năm qua, đã có nhiều chương trình, dự án được ưu tiên thực hiện. Điển hình như dự án 661, Chiến lược quản lý cháy rừng giai đoạn 2006-2015, kế hoạch hành động đa dạng sinh học của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, chương trình phát triển và nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, thu phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, dự án phát triển rừng phòng hộ vùng cát ven biển, dự án quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng vành đai biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế, trồng rừng phòng hộ hồ đập các công trình thủy lợi, thủy điện...
So với chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015, từ năm 2010 đến 2013, có hơn 79.814 ha rừng được khoán quản lý bảo vệ, đạt 62% kế hoạch; hơn 20.636 ha rừng được khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, đạt 69% và trồng mới 16.530 ha, đạt 74% kế hoạch. Tiến độ thực hiện các hạng mục cơ sở hạ tầng đến năm 2013 vượt nhanh so với kế hoạch 2011-2015. Trong đó, đã xây dựng 4 vườn ươm trên chỉ tiêu 2 vườn, 39,2km đường lâm nghiệp trên 78 km kế hoạch, 226,2 km đường ranh cản lửa so với kế hoạch 110 km. Trồng cây phân tán đến nay đạt 75% kế hoạch với khoảng 10 triệu cây.
Việc khai thác hợp lý gỗ rừng nhằm tái tạo và cải thiện chất lượng rừng cũng được quan tâm để từng bước đảm bảo thế ổn định của rừng, đồng thời mang lại nguồn thu lớn cho những người trồng rừng và hưởng lợi từ chăm sóc, bảo vệ rừng. Kế hoạch khai thác gỗ giai đoạn 2011- 2015 là 20.100 m3 gỗ rừng tự nhiên và 640.000 m3 gỗ rừng trồng. Riêng từ năm 2010 đến 2013, khối lượng gỗ rừng tự nhiên đã khai thác được 12.290 m3 và gỗ rừng trồng 1,28 triệu m3. Ngoài khai thác gỗ nguyên liệu, các loại lâm sản ngoài gỗ cũng được ưu tiên khai thác trong giai đoạn 2011- 2015 gồm các loại như nhựa thông khoảng 3.990 tấn; song, mây: 1.045 tấn; đót: 890 tấn, tre nứa: 1,175 triệu cây.
Theo quy hoạch, tỷ lệ độ che phủ rừng đến năm 2015 đạt 58,32% và đến năm 2020 đạt 60,99%. Cơ cấu tỷ lệ 3 loại rừng đến năm 2020 sẽ là: rừng đặc dụng chiếm tỷ lệ 26,27%; rừng phòng hộ chiếm 30,2% và rừng sản xuất chiếm tỷ lệ 43,53%. Tổng vốn đầu tư thực hiện các hạng mục bảo vệ rừng, phát triển rừng, giao rừng cho thuê rừng, trồng cây phân tán, xây dựng các công trình lâm sinh, vườn ươm... gần 989,87 tỷ đồng. Theo đó sẽ tạo việc làm về nghề rừng cho khoảng 18.000 lao động/năm; cung cấp hằng năm khoảng 125.000 m3 gỗ các loại cho công nghiệp chế biến, xây dựng, sản xuất hàng mộc, thủ công mỹ nghệ.

 

Bài, ảnh: Hoài Thương