Nỗi lo bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Mỗi năm không dưới 1 lần phải đến Bệnh viện Trung ương Huế để được các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ông N.V.L. (85 tuổi, phường Thủy Châu, TX.Hương Thủy) cho biết, ông quen với thuốc lá sau khi lập gia đình. Mỗi ngày, ông L. hút hơn 1 gói thuốc lá. Khi bước qua tuổi 80, ông thường xuyên bị ho, khó thở, tức ngực. Đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết ông H. đã bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phải điều trị liên tục, lâu dài.

Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện TX.Hương Thủy

"Gần 2 năm nay, không có tháng nào tôi vắng mặt ở BV Trung ương Huế. Ăn uống bây giờ cũng kém hẳn, không làm được việc gì ngoài trông nom nhà cửa cho con cái. Thế mà vẫn thấy mệt mỏi, có lúc sáng ngủ dậy lại ho ra máu". ông L. nói.

Cùng chung “cảnh ngộ” với ông L., anh V Đ B. (66 tuổi, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc). Anh B. có “thâm niên” hút thuốc lá gần 50 năm và chỉ vừa cai thuốc cách đây hơn 2 tháng. Anh chia sẻ, khi biết thuốc lá có hại cho sức khỏe thì đã muộn. Căn bệnh viêm phế quản cứ hành hạ gần 2 năm nay cũng vì thuốc lá. Bây giờ, hễ mỗi lần vào BV Trung ương Huế điều trị là anh ân hận vì không nghe lời bác sĩ và khuyên can của vợ con.

Bác sĩ CK II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế cho biết, nguyên nhân chính gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là người bệnh hút thuốc lá trong một thời gian dài. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể điều trị dứt điểm mà phải điều trị lâu dài. Người bị bệnh cần có chế độ sinh hoạt phù hợp, lành mạnh để giảm triệu chứng của bệnh, như sớm bỏ hút thuốc lá, tránh các chất kích thích phổi như khói bụi, ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục - thể thao và nên khám sức khỏe định kỳ...

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc BV Thị xã Hương Thủy, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường lớn tuổi và hơn 90% người bệnh có tiền sử hút thuốc lá. 100% người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có các bệnh lý kèm theo, như: cao huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường, lao, giãn phế quản... Phần lớn người bị phổi tắc nghẽn mạn tính nặng không thể tự thở mà cần sự trợ giúp từ các thiết bị y tế.

Hành động để phòng, chống tác hại của thuốc lá

Số liệu của Bệnh viện Ung bướu Trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm đến 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ người sử dụng thuốc lá cao.

Nhân Ngày thế giới Không thuốc lá năm 2019, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bộ, ngành, đoàn thể trung ương về việc tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể trung ương tiếp tục phổ biến và chỉ đạo thực thi nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nội dung tuyên truyền tập trung vào quy định về cấm hút thuốc lá nơi làm việc; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của thuốc lá.

Xét nghiệm để chẩn đoán bệnh Lao phổi tại BV lao phổi tỉnh

Đồng thời, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; treo biển cấm hút thuốc tại các khu vực có quy định cấm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị, có hình thức động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Công văn của Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần gương mẫu thực hiện và yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. WHO đã thống kê, có 90% trong số hơn 600 ngàn người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc lá còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.


Bài, ảnh: Minh Văn