Điều này cho thấy nguy cơ rác "bội chiếm" môi trường sống, đất sản xuất sẽ xảy ra trong tương lai gần, nhất là khi chưa hình thành hệ thống và công nghệ xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Học sinh Trường THCS Hoàng Kim Hoán (Hải Dương, TX. Hương Trà) thu gom rác để gây quỹ

Chỉ riêng rác nhựa, ni lông, trong số hơn 650 tấn rác thải ra môi trường trên toàn tỉnh mỗi ngày, loại rác này chiếm hơn 6%, tương đương hơn 35 tấn/ngày. Hiện nay, tỷ lệ thu gom, xử lý rác toàn tỉnh đạt chưa tới 70%. Như vậy, ngoài rác nhựa, ni lông khó phân hủy đem chôn lấp, lượng rác còn lại đang lưu cữu, tồn tại trong môi trường, trôi nổi trên sông, hồ, cửa biển...

Con số trên cảnh báo mức độ ô nhiễm rác thải nhựa sẽ gia tăng nếu không có giải pháp hạn chế sử dụng, dùng sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế và thực hiện phân loại, tái chế, tái sử dụng.

Giải pháp phân loại rác tại nguồn tuy được cho là tức thời, trước mắt nhưng có lợi và duy trì về lâu dài. Nếu làm tốt, bài bản có thể xây dựng thành chuỗi từ phân loại đến tái chế, tái sử dụng. Giải pháp này đã và đang được một số dự án, tổ chức thực hiện tại các địa phương, với sự tham gia của các tổ chức hội như: phụ nữ, nông dân...; học sinh một số đơn vị trường học... Đơn cử dự án "Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm chất thải nhựa trong thành phố, trên sông, ven biển của tỉnh" do Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD) phối hợp với 6 trường học trên địa bàn TP. Huế, TX. Hương Trà thực hiện, tập trung vào việc phân loại rác thải tại nguồn, trong đó chủ yếu nhằm giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng rác thải nhựa, giấy loại, kim loại...

Từ dự án này, đã có những câu lạc bộ (CLB) như "Môi trường xanh", "No plastic", "Quốc học Xanh"... được thành lập tại các trường học.

Dự án "Vườn treo Babylon" của "Quốc học Xanh" đặt ra mục tiêu giảm tối thiểu 80% lượng rác thải nhựa trong Trường THPT chuyên Quốc Học bằng cách tái chế các chai nhựa trong thùng rác thành những chậu cây treo trước mỗi lớp học. Giấy loại được các thành viên CLB, học sinh thu gom, đem bán để gây quỹ. Chai nhựa được thu gom để tái chế... Hoạt động này hầu hết các trường tham gia dự án thực hiện và đem lại hiệu quả. Một số trường còn khuyến khích, đề nghị mỗi học sinh nên mang theo ly uống nước nhiều lần, muỗng dùng nhiều lần đến trường để sử dụng khi ăn uống, giải khát ở căn-tin, thay cho việc sử dụng ống hút nhựa, ly nhựa dùng 1 lần.

Không gói gọn đối tượng tham gia là học sinh, tham vọng của dự án còn muốn nhân rộng đến từng gia đình, người dân. Một khi việc phân loại, tái chế, tái sử dụng rác tiếp tục nhân rộng ra hệ thống các trường học trên toàn tỉnh và nhân rộng về các gia đình, cơ quan, đơn vị thì chắc chắn hiệu quả đem lại sẽ cao hơn, lượng rác có thể tái chế, tái sử dụng, tận dụng làm thức ăn chăn nuôi... sẽ tăng gấp nhiều lần. Đồng nghĩa gánh nặng của các bãi chôn lấp, môi trường quanh các khu vực có bãi chôn lấp sẽ giảm rất nhiều.

 UBND tỉnh vừa có kế hoạch chọn UBND phường Tây Lộc làm thí điểm phân loại rác, từ khâu phân loại - thu gom - xử lý. Đây được xem như mô hình thí điểm chuỗi liên kết trong thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh, tức là không chỉ giới hạn ở việc thu gom, làm sạch vệ sinh tại hiện trường mà liên kết các khâu, nhằm vừa hạn chế lượng rác chôn lấp, xử lý và tận dụng để tái chế, tái sử dụng hiệu quả.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN