Đó là ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trong buổi khai mạc Diễn dàn đổi mới giáo dục dành cho các lãnh đạo giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ nhất diễn ra vào hôm qua 9/7 tại Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam.

Toàn cầu hóa đặt ra yêu cầu đổi mới giáo dục ở các quốc gia
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu tại buổi khai mạc Diễn đàn đổi mới giáo dục dành cho các lãnh đạo giáo dục các nước Đông Nam Á.
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh  “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang trở thành một xu thế phổ biến. Trong thế giới đó, sự phát triển và thành công của một quốc gia đều ít nhiều có tác động đến các quốc gia khác và ngược lại. Bên cạnh những cơ hội và triển vọng, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức. Vì mục tiêu hòa bình và phát triển của mỗi quốc gia đang không ngừng phấn đấu vượt qua các vấn đề của khu vực và toàn cầu như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và tình trạng thất nghiệp... Mặt khác sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng làm thay đổi cách thức con người giao tiếp, sống và làm việc.
 
Chính bối cảnh ấy đang làm thay đổi phương thức tổ chức, cách thức chúng ta dạy học, cũng như quản lý cả hệ thống giáo dục tại các trường học. Đặt ra cho các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục nhiệm vụ phải xác định đúng vấn đề và tìm ra giải pháp để không ngừng đổi mới giáo dục nhằm đáp ứng các yêu cầu của thời đại”.
 
Cũng theo ông Hiển, một trong những yêu cầu cơ bản đó là trang bị kỹ năng sống và kỹ năng làm việc trong thế kỷ 21 cho học sinh sinh viên; đổi mới phương pháp dạy, học và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Không những giáo dục thế hệ trẻ tinh thần dân tộc mà còn khơi dậy ý thức công dân toàn cầu, không những nuôi dưỡng văn hóa truyền thống mà còn phải trân trọng sự đa dạng hóa trong thế giới đa chiều, đa văn hóa…
 
Để hướng đến xây dựng một cộng đồng ASEAN sau năm 2015, chúng ta cần phải xây dựng ASEAN trở thành một khối thịnh vượng, hợp tác và phát triển. Muốn điều đó thành hiện thực không cách nào khác các quốc gia cần phải xem công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tìm ra những hướng đi đúng đắn, xây dựng một đội ngũ lao động có năng lực giải quyết vấn đề, có kiến thức, cũng như kỹ năng để làm việc trong một môi trường nhiều cạnh tranh”, Thứ trưởng cho biết.
 
Được biết, Diễn đàn lần thứ nhất với chủ đề “Các vấn đề và giải pháp cho đổi mới quản lý giáo dục khu vực Đông Nam Á” sẽ diễn ra trong 3 ngày. Trên 30 cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục từ 11 nước trong khu vực đại diện cho các bậc giáo dục tiểu học, trung học và đại học tham dự diễn đàn.
Toàn cầu hóa đặt ra yêu cầu đổi mới giáo dục ở các quốc gia
Hơn 30 cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục từ 11 nước trong khu vực đại diện cho các bậc giáo dục tiểu học, trung học và đại học tham dự diễn đàn.
 
Diễn đàn sử dụng phương pháp tương tác hỗn hợp, có sự kết hợp giữa trao đổi trực tiếp và trực tuyến. Với phương pháp này, diễn đàn không chỉ kết thúc mà còn mở ra diễn đàn trực tuyến để các lãnh đạo và cán bộ quản lý giáo dục Đông Nam Á tiếp tục trao đổi, thảo luận nhằm xác định và chia sẻ những giải pháp tối ưu cho các vấn đề giáo dục chung của khu vực
 
Theo Ban tổ chức, với sự tài trợ của Quỹ Giảm nghèo Nhật Bản (JFPR) thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) đã triển khai đề án SEAMEO College nhằm góp phần xác định và giải quyết các vấn đề giáo dục trong khu vực, hướng tới một cộng đồng Đông Nam Á sau năm 2015.
 
Đề án gồm 4 hợp phần: Đối thoại chiến lược của các Bộ trưởng Giáo dục. Nghiên cứu trường hợp theo quốc gia của các lãnh đạo cấp cao. Diễn đàn đổi mới dành cho các lãnh đạo giáo dục và Diễn đàn đổi mới của các lãnh đạo trẻ.
 
Lê Phương (Theo Dân Trí)