Tại thị trường Việt Nam, đưa vào sử dụng ống hút cỏ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn thực sự có lợi cho môi trường. Ảnh: The ASEAN Post

Tác hại nghiêm trọng

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ thẳng xuống đại dương, trong đó ống hút nhựa chiếm 4%. Với tần suất này, cùng với những tác hại nghiêm trọng khi rác thải nhựa ảnh hưởng rất lớn đến thủy sản, Liên Hiệp quốc (UN) ước tính đến năm 2050, nhiều khả năng sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn trong đại dương.

Đến năm 2025, khu vực ASEAN sẽ là thủ phạm xả thải nhựa lớn nhất trên toàn cầu, trong đó số lượng phế phẩm nhựa của Indonesia chiếm 10% lượng rác thải nhựa của toàn thế giới. 

Tuy nhiên, viễn cảnh này hoàn toàn có thể tránh được vì hiện nay, khu vực ASEAN đã và đang nhận thức rõ hơn về khủng hoảng nhựa. Cụ thể, Malaysia đã ra lệnh cấm nhập khẩu phế phẩm nhựa vĩnh viễn, trong khi Việt Nam và Thái Lan cũng vừa ban hành lệnh cấm cấp phép nhập khẩu phế phẩm nhựa. Vừa mới đây, chính phủ Philippines đã gửi trả hàng tấn rác thải nhựa trở về Canada.

Thay đổi từ thói quen nhỏ nhất

Mặc dù ống hút nhựa gây nên nhiều tác hại cho sinh vật biển và môi trường đại dương, song nhiều cá nhân vẫn cho rằng ống hút nhựa không nên bị cấm sử dụng hoàn toàn. Vẫn còn rất nhiều người cần sử dụng ống hút với nhiều lý do, do đó, phương án tốt hơn là nên thay thế bằng việc sử dụng ống hút tái sử dụng hoặc ống hút có khả năng phân hủy sinh học.

Điều này được thể hiện rõ nhất khi với một số cá nhân, động thái cấm ống hút nhựa không chỉ là một sự bất tiện. Đơn cử, tại bệnh viện, nhiều bệnh nhân không thể tự mình uống nước sẽ dùng ống hút để thay thế. Sự phát minh của ống hút sẽ hỗ trợ người tàn tật chủ động hơn khi có thể tự làm một số công việc mà không cần có sự trợ giúp của người khác.

Trước bối cảnh thay thế ống hút nhựa là điều cần thiết và nhu cầu sử dụng ống hút là không thể chối từ, nhiều người đã và đang cung cấp thêm nhiều lựa chọn thay thế cho ống hút nhựa. Kết quả là hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại ống hút thân thiện với môi trường như ống hút kim loại, ống hút tre, thủy tinh, giấy, thậm chí là ống hút mì ống...

Để giải quyết nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, Trần Minh Tiến và công ty của mình là Ong Hut Co đã cho ra đời dòng ống hút mới làm từ cỏ cây Lepironia Articulata, hay còn gọi là cỏ bàng, một loại cỏ mọc rất nhiều tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ riêng công ty Ong Hut Co,  nhận thức được tầm quan trọng của việc thay thế các loại ống hút nhựa độc hại với môi trường, một công ty khác có trụ sở ở Việt Nam là Zero Waste Saigon cũng phát triển dòng ống hút cỏ thân thiện này.

Theo nhận định của tác giả Liyana Hasnan, hiện nay, mọi người đã bắt đầu có ý thức hơn về môi trường và dần chuyển sang chọn sử dụng ống hút và túi đựng có thể phân hủy sinh học như biện pháp thay thế. Nhìn chung, sự ra đời của ống hút cỏ tại thị trường rộng lớn này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam, mà chúng còn thực sự tốt cho môi trường.

Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)