Tôi vẫn nghe cụm từ không còn mới là "khách hàng cần thông thái". Lâu nay, cụm từ ấy gần như được phổ biến như lời khuyến cáo của người có trách nhiệm trong lĩnh vực ATTP. Rằng, người tiêu dùng hãy tự bảo vệ lấy lợi ích bản thân khi mua hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là những loại hàng hóa có liên quan mật thiết đến sức khỏe hàng ngày, như thực phẩm, thuốc men, mỹ phẩm...

"Thông thái" ở đây tôi hiểu là việc người tiêu dùng khi mua hàng cần một số kỹ năng, như đọc nhãn hàng hóa để xem thành phần, xuất xứ, hạn sử dụng; có kiến thức đủ để phân biệt hàng giả, hàng thật và chọn lựa các thương hiệu, địa chỉ uy tín để mua hàng và kiên quyết không mua hàng trôi nổi...

Người tiêu dùng nào làm được các điều trên đã là tốt. Và chỉ nên hiểu “thông thái” ở mức độ đó, vì không thể đòi hỏi “thông thái” đến mức làm thay việc cả những cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm soát chất lượng hàng hóa. Mỗi khi có thông tin hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành trên thị trường, thì cụm từ “hãy là người tiêu dùng thông thái” lại được dịp "trọng dụng". Song cần phân biệt, người tiêu dùng chỉ có thể đọc, hiểu khi gói hàng đã ở trên tay họ một cách hợp pháp, các bước trước đó từ khâu sản xuất đến lưu thông là việc của ngành chức năng.

Anh bạn công tác ở Hội Chữ thập đỏ tỉnh nêu những vụ việc làm ăn dối trá tinh vi khiến tôi phải giật mình. Anh nói, mới đây câu chuyện thuốc trị ung thư từ than tre, nứa của đơn vị có trụ sở tại Hà Nội là một điển hình về sự thật hàng hóa được che lấp dưới nhiều lớp "vỏ bọc" hoàn hảo. Công ty này có hệ thống đại lý phân phối, được cấp phép sản xuất và lưu thông mặt hàng vô cùng nhạy cảm, hóa ra lại là một nơi sản xuất thuốc giả.

Chưa kể, cái "mác" của công ty này không chỉ đã nhận giải top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam mà người đứng đầu công ty từng được trao giải gương mặt doanh nhân tiêu biểu năm 2017. Thử hỏi một "thương hiệu" như thế, người tiêu dùng dựa vào điều gì để “thông thái” từ chối mua hàng của họ. Rõ ràng trong chuyện này những đối tượng cần thông thái chính là những cá nhân, đơn vị liên quan đã tạo điều kiện cho công ty nọ đưa sản phẩm ra thị trường một cách hợp pháp, chứ không phải là người tiêu dùng.

Câu chuyện của công ty trên không phải cá biệt, nhiều hàng hóa có thương hiệu được lưu hành, qua nhiều “cửa” kiểm soát để đến tay người tiêu dùng, được trao giải nọ giải kia... thế nhưng "trong ruột" chỉ là hàng giả, hàng kém chất lượng. Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong quý I/2019, rất nhiều vụ hàng giả, hàng nhái ở Hải Phòng, Hà Nội... đã bị phanh phui mang các thương hiệu nổi tiếng từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… Buồn thay khi những dạng hàng hóa này thường là dược, mỹ phẩm, đồ ăn, thức uống... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng.

Thử hỏi, một khi đã qua các cửa kiểm soát để lưu thông hợp pháp trên thị trường, thì người tiêu dùng cần thông thái mức nào để bảo vệ mình khỏi mua hàng giả, hàng không chất lượng (?!).

Minh Trường