Nếu như đợt dịch tả lợn châu Phi lần đầu thâm nhập vào địa bàn tỉnh từ ngày 16 - 22/3/2019, chỉ ở 2 xã Phong Sơn, Phong An (Phong Điền), với số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 71 con thì đến ngày 31/5, dịch đã xảy ra trên đàn lợn của 648 hộ chăn nuôi, 210 thôn, 55 xã thuộc 8 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, TX.Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy 2.552 con với tổng trọng lượng tiêu hủy 129.200 kg. Trên phạm vi toàn quốc, bệnh dịch đã lan ra 48 tỉnh, thành với hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã, lợn phải tiêu hủy hơn 2 triệu con.

Dù công tác ngăn chặn và dập dịch tả lợn châu Phi đã được triển khai từ rất sớm, với nhiều biện pháp khẩn trương và quyết liệt song trên thực tế, dịch bệnh tiếp tục bùng phát, lây lan nhanh. Rõ ràng, còn có những lỗ hổng rất lớn trong công tác khoanh vùng dập dịch tại các địa phương.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài nguyên nhân chính vì đây là dịch bệnh chưa có thuốc điều trị, còn có nguyên nhân từ sự chủ quan của người dân, sự ứng phó chưa hiệu quả của một số cấp chính quyền, bộ phận thực thi công vụ tại một số nơi. Công tác kiểm soát, ngăn chặn mầm bệnh cũng nhiều bất cập.

 Chẳng hạn, ở TX.Hương Thủy, khi dịch xuất hiện, đa phần người dân tự giác khai báo, nhưng vẫn có trường hợp người dân vứt bỏ heo chết ra sông, không báo với chính quyền địa phương, khiến công tác phòng, chống dịch càng thêm khó khăn. Ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm thức ăn cho lợn, nhưng thực tế việc thu gom thức ăn thừa vẫn âm thầm diễn ra, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Số lợn chết do dịch bệnh ở Hương Thủy ban đầu được lực lượng chức năng xác minh đều sử dụng nguồn thức ăn từ một số quán ăn, nhà hàng… trên địa bàn là minh chứng.

 Hiện, tỉnh đang duy trì 10 chốt kiểm dịch (chưa bao gồm các chốt kiểm dịch nhỏ của địa phương có dịch) chủ động phối hợp với các lực lượng liên ngành, công an, quân đội, thị trường phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển; giám sát xử lý nhanh kể cả những trường hợp nghi ngờ bệnh, không để dịch lây lan trên diện rộng. Tại các điểm giết mổ gia súc, lực lượng thú y làm việc 24/24 giám sát việc xuất nhập, không để lợn bệnh đưa vào lò mổ và phun tiêu độc khử trùng khi phương tiện vào ra, và trong suốt quá trình nhốt, giết mổ.

Ngành chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng hơn 50% cơ cấu nông nghiệp. Chăn nuôi lợn là nghề mang tính truyền thống, là nguồn thu nhập quan trọng của nhiều hộ dân. Nếu không khống chế dịch hiệu quả sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, an sinh xã hội của đất nước.

Có ý kiến cho rằng, trong thực trạng dịch tả lợn châu Phi lan tràn khó kiểm soát, biện pháp để ngăn chặn dịch hiệu quả là tạm ngưng tiêu thụ thịt lợn đến khi công bố hết dịch. Khi đó, sẽ không còn tình trạng vận chuyển, giết lợn bệnh đưa đi tiêu thụ, vốn là nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh. Cái khó của biện pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến một bộ phận tiểu thương kinh doanh thịt lợn, các doanh nghiệp, hộ nuôi lợn chưa nhiễm bệnh. Vì vậy cũng cần tính đến phương án hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, đông lạnh số lượng lợn không bị nhiễm bệnh để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi. 

Về lâu dài, nếu triển khai bài bản (như vận động tiểu thương tham gia mua bảo hiểm thất nghiệp, người chăn nuôi mua bảo hiểm vật nuôi để được trợ cấp khi có thiệt hại do dịch bệnh...), sẽ góp phần rất lớn trong việc khống chế dịch bệnh, bên cạnh tăng cường vai trò giám sát, xử lý dịch của cơ quan chức năng.  

Đặng Thành