Nhà máy nước Vạn Niên tuổi đời đã hơn thế kỷ
Còn nhớ trong một cuộc họp tại Liên hiệp các hội KHKT Thừa Thiên Huế (LH Hội), GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch LH Hội đã thông tin, Công trình “Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước” của ThS.Trương Công Nam từ HueWACO nhiều khả năng sẽ giật ngôi quán quân của Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam 2015. Cuộc thi năm ấy khá gay cấn, công trình của HueWACO đang phải “đua” sát nút với một công trình khác của Đà Nẵng, để khách quan và chính xác nhất, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo giải thưởng sẽ bay vào, trực tiếp tham quan, tìm hiểu tại hiện trường để đối sánh trước khi đưa ra quyết định chính thức.
Chúng tôi- những thành viên trong Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh năm ấy đều cảm thấy vui và tự hào. Bởi trước đó, chúng tôi đã chính xác và thống nhất rất cao trong quyết định trao giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ VII của tỉnh cho Công trình “Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước”, đồng thời chọn đề tài này gửi đi tham gia Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam 2015 với hy vọng sẽ có giải. Và bây giờ thì kết quả đã trên mong đợi. Nếu công trình chiếm ngôi quán quân nữa thì còn gì tuyệt vời bằng? Không chỉ HueWACO tự hào mà còn là niềm tự hào chung cho cả vùng đất Thừa Thiên Huế. Và cuối cùng thì niềm tự hào đó đã thành sự thật: Công trình “Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước” đã giành giải Nhất đầy thuyết phục của Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2015.
Công trình “Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước” áp dụng tại nhà máy nước Lộc Trì, công suất thiết kế 4.000m3/ngđ. Nhà máy được xây dựng trong khoảng thời gian 2011-2012 nhằm cung cấp nước sạch cho Phú Lộc, một huyện cực nam của tỉnh- nơi người dân vốn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh.
Để khắc phục thực trạng nguồn năng lượng điện không ổn định, thường bị cắt trong những giờ cao điểm, ảnh hưởng đến sản xuất nước. Công trình nghiên cứu của HueWACO đã tận dụng đập nước và đường ống dẫn nước có sẵn của nhà máy để biến thủy năng thành điện năng đảm bảo cho tất cả các khâu vận hành của nhà máy. Có thể hình dung qua sơ đồ như thế này: Đập nước - đường ống dẫn nước - tuabin thủy điện - máy phát điện - cung cấp điện cho các hoạt động sản xuất của nhà máy (Thiết bị phục vụ sản xuất nước; Thiết bị súc lọc, cào bùn; Các thiết bị sản xuất hóa chất; Các thiết bị điện chiếu sáng, bảo vệ, ...).
Đây là một trong những nhà máy đầu tiên sử dụng năng lượng xanh, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có để giảm chi phí, vận hành bảo dưỡng đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư xây dựng và chi phí điện năng, đảm bảo ổn định và thân thiện môi trường. Ngoài nhà máy Lộc Trì, HueWACO cũng đã ứng dụng thành công cho nhà máy Chân Mây (công suất 8.000m3/ngđ), nhà máy Hương Phong (công suất 3.000m3/ngđ) và hoàn toàn có thể tham khảo, áp dụng rộng rãi cho tất cả các nhà máy trên toàn quốc, nhất là đối với các tỉnh miền núi.
Nhà máy nước Quảng Tế I được cải tạo, nâng cấp và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước cho Huế
Chính vì tính hiệu quả kinh tế, khả năng ứng dụng cao và thân thiện môi trường mà sau giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2015, công trình đã được tuyển chọn, vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016 - công trìnhdo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện và công bố vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm, bắt đầu từ năm 2016, trong đó tuyển chọn, tôn vinh các công trình có giá trị KHCN, có giá trị ứng dụng thực tiễn, giá trị kinh tế cao, đạt hiệu quả trong sản xuất, đời sống.
Điều đáng nói, “Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước” không chỉ là công trình “đơn nhất” hay “đột biến” của HueWACO mà là một trong “chuỗi” nhiều công trình, đề tài nghiên cứu, sáng tạo mà đơn vị đã khơi dậy thành cả một phong trào và được tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động hưởng ứng thực hiện miệt mài suốt nhiều năm qua.
Khoảng năm 2000, chúng tôi đã được thăm dây chuyền xử lý, phục hồi nâng cấp các loại ống gang thép cũ sau thu hồi. Đây là những ống cấp nước cũ, nằm dưới đất đã nhiều thập kỷ và đã có thể “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” của mình. Lẽ ra sau khi thu hồi, HueWACO hoàn toàn có quyền thanh lý. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách khó khăn, nhu cầu đưa nước sạch phục vụ đời sống người dân và phát triển sản xuất đang ngày càng lớn và bức thiết, HueWACO đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp cùng dây chuyền công nghệ để xử lý, phục hồi và nâng cấp chúng để sử dụng lại. Dây chuyền xử lý được lắp đặt trong khuôn viên Nhà máy Quảng Tế II, ống gang, thép cũ thu hồi cũng được tập kết về đây. Tất cả trong tình trạng han gỉ, lòng ống bám đầy cặn bẩn, có những đoạn tưởng chừng đến mức “đặc ruột”… Sau khi được vệ sinh, súc rửa, dùng công nghệ ly tâm tráng bê tông lòng ống, sơn chống gỉ… tất cả trở nên sạch sẽ và sáng như ống mới. Các thông số kiểm tra cho thấy, ống cũ sau xử lý đã tăng khả năng chịu áp (từ 8kg/cm2 lên trên 16kg/cm2), giúp nâng cao chất lượng nước cấp, đồng thờichống được thất thoát, thất thu nước. Không chỉ tiết kiệm cho Nhà nước 21 tỷ đồng - số kinh phí không nhỏ tại thời điểm đó, mà ý nghĩa hơn là nhờ sáng kiến “Xử lý, phục hồi nâng cấp các ống gang, thép cũ” mà trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, HueWACO vẫn chủ động cải tạo trên 120 Km đường ống, nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu nước ngày càng cấp thiết của cuộc ống và sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Nhà máy nước Dã Viên- một trong những nhà máy lâu đời của HueWACO
Hay như đề tài “Thu nước ngọt tầng mặt mỏng trên sông Hương vào mùa hạn mặn”. Sống ở Huế có lẽ rất nhiều người còn nhớ, thời điểm mà đập Thảo Long chưa được nâng cấp, mùa nắng nóng, nước mặn thường thâm nhập sâu lên thượng nguồn. Có năm như năm 2002, độ mặn nước sông Hương đo được tại nhà máy Vạn Niên ở độ sâu 0,3m lên tới 2.000- 2.100mg(muối)/l, độ sâu 2m mặn đến 8.200-9.000mg/l ! Cả thành phố khát nước ngọt trầm trọng. Công ty Cấp thoát nước lúc ấy phải giải quyết tình thế bằng cách cho xe chở nước ngọt cung cấp tại một số điểm tập trung trong thành phố, đồng thời phải tổ chức lắp đặt khẩn cấp một tuyến ống đưa nước từ Tứ Hạ vào để giải cứu Huế.
Đề tài đưa ra giải pháp thu nước ngọt tầng mặt mỏng hiệu quả mà không làm xáo trộn dòng chảy của nước ngọt ở tầng mặt trên; giúp kéo dài được thời gian cấp nước ngọt đảm bảo tiêu chuẩn trong khi nước sông Hương ở tầng đáy đã bị nhiễm mặn vượt quá mức quy định gấp nhiều lần. Trường hợp nước mặn xâm nhập sâu lên thượng nguồn, khi tầng nước mặt cũng bị nhiễm mặn thì giải pháp vẫn giúp nhà máy lấy được nguồn nước thô với nồng độ muối giảm gần 10 lần so với cách lấy nước thông thường.
Đây là giải pháp kỹ thuật chưa từng được áp dụng và phổ biến đối với ngành cấp nước và phục vụ thuỷ lợi cho nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản ở cả trong và ngoài nước. Giải pháp đã giúp cho Nhà nước tiết kiệm một số tiền lớn, hơn 64 tỷ đồng, do không phải đầu tư để xây dựng mới một nhà máy công suất 75.000m3/ngđ để sản xuất nước không nhiễm mặn cung cấp cho Huế và vùng phụ cận. “Thu nước ngọt tầng mặt mỏng trên sông Hương vào mùa hạn mặn” do ThS Trương Công Nam làm chủ nhiệm đề tài và đã được trao giải Ba, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam năm 2006; giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế năm 2006 và giải C Giải thưởng Cố đô về Khoa học Công nghệ lần thứ I năm 2006.
Một loạt đề tài nữa có ý nghĩa lớn về kinh tế-xã hội của HueWACO cũng rất đáng được nêu tên, như:“Nghiên cứu ứng dụng công nghệ khoan kích ống băng qua đường sắt, đường bộ, kênh thuỷ lợi lớn” (Giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh TT.Huế lần thứ VI-năm 2013)-Giải pháp và công nghệ tiên tiến mà đề tài này đưa ra đã phát huy rất tốt cho các hoạt động thi công trong đô thị, mặt bằng chật hẹp và phải bảo đảm các điều kiện khắt khe về môi trường, giao thông…; Đề tài “Ứng dụng công nghệ cáp treo dây võng treo ống HDPE qua sông, suối vượt nhịp lớn trong cấp nước” (giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh TT.Huế lần thứ VIII, năm 2016) mở ra phương pháp mới để thi công các công trình băng qua sông, suối và địa hình hiểm trở, đáp ứng nhu cầu phát triển cấp nước về vùng sâu, vùng xa, miền núi trong điều kiện thiếu vốn đầu tư, vốn vay ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn; Đề tài “Nghiên cứu công nghệ Hàn ống gang dẻo, HDPE, thép trực tiếp trên đường ống nước đang truyền tải, mở T thực hiện thông rửa, phát triển tuyến ống mới & sản xuất phụ kiện trong cấp nước” (giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo KHCN tỉnh TT-Huế lần thứ VIII, năm 2016; giải Ba Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2016). Giải pháp này đã thay thế hoàn hảo cho phương pháp vệ sinh, thông rửa đường ống gang dẻo truyền thống trước đây mà mỗi khi thực hiện buộc phải ngừng cấp nước trong một thời gian dài, lượng nhân công, máy móc phục vụ lớn…
Đặc biệt, với Đề tài: “Bể lắng lọc thông minh, chất lượng cao, thân thiện môi trường”của Ths Trương Công Nam hiện áp dụng thành công cho tất cả các nhà máy của HueWACO đã nâng chất lượng nước cấp của Huế vươn lên hàng đầu châu lục, sánh ngang với chất lượng nước của Nhật Bản, Hàn Quốc. Công nghệ “Bể lắng - lọc thông minh, chất lượng cao, thân thiện môi trường” là công nghệ xanh, ứng dụng nguyên lý thủy lực cho toàn bộ các công đoạn mà không sử dụng bất cứ loại năng lượng và động cơ nào khác. Nước sau khi lắng lọc có độ đục luôn ≤ 0,025 NUT (thấp hơn 80 lần so với tiêu chuẩn Việt Nam), Fe, Mn ≤ 0,001mg/l (thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam 300 lần). Giải pháp công nghệ này giúp tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư xây dựng công trình, chi phí đầu tư máy khuấy, máy cào bùn, chi phí điện năng…; Tiết kiệm hóa chất xử lý nước, chi phí vận hành và duy tu bảo dưỡng máy móc thiết bị, chi phí vệ sinh thông rửa đường ống và thay đồng hồ định kỳ hàng năm. Giải pháp hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi và mang lại ý nghĩa kinh tế- xã hội lớn không chỉ cho ngành cấp thoát nước mà kể cả nuôi trồng thủy sản. Đề tài “Bể lắng lọc thông minh, chất lượng cao, thân thiện môi trường” của Ths Trương Công Nam đã tiếp tục làm dày thêm thành tích của HueWACO trên lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo khi được chọn trao giải Nhất Hội thi STKT tỉnh TT-Huế lần thứ VIII năm 2017 và giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2018.
Từ chỉ một nhà máy công suất 2.500m3; từ chỉ những gia đình quyền quý, giàu có mới được dùng nước máy, 44 năm sau ngày thống nhất đất nước đến nay, HueWACO đã có những bước phát triển ngoạn mục. Công suất, sản lượng nước không ngừng tăng trưởng. Không chỉ dân thành phố mới được dùng nước máy mà nước máy còn tỏa về tận hang cùng ngõ hẻm của nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Không chỉ người có tiền mới vào được nước máy mà kể cả hộ nghèo cũng được tạo điều kiện để đưa nước máy đến tận nhà. Nước máy phục vụ nâng cao chất lượng đời sống, đẩy lùi bệnh tật. Và nước máy cũng đồng thời luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của mọi công ty, xí nghiệp, nhà đầu tư, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội chung của tỉnh.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu nước sạch, nước máy Huế bây giờ còn vươn đến tiêu chí an toàn và ngon. Rất nhiều điểm “nước uống tại vòi” miễn phí cũng đã được HueWACO lắp đặt tại bệnh viện, trường học, công viên, điểm du lịch… từ nhiều năm qua– những mục tiêu mà nhiều địa phương trong cả nước ước mơ nhưng có thể còn rất nhiều thời gian nữa mới làm được. Những thành quả to lớn và ấn tượng đó, không thể không kể đến trí tuệ, tâm sức và lòng nhiệt thành của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động của HueWACO kết tinh trong rất nhiều những đề tài, giải pháp đầy thông minh và sáng tạo. Đó như là những mảnh ghép bằng vàng, làm lấp lánh tuổi tên của HueWACO- Doanh nghiệp đã 110 năm soi mình bên dòng sông Hương huyền thoại.
Bài, ảnh: Diên Thống