Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Scavi Huế. Ảnh: Thanh Hương

Ngành dệt may đã tạo ra hai lợi thế trong phát triển kinh tế của tỉnh, đó là giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại chỗ, nhất là lao động trẻ ở vùng nông thôn. Trước đây, lao động của ngành dệt may phải đi vào các tỉnh phía Nam, nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh để tìm việc làm. Ai cũng biết, với đồng lương của người làm gia công không cao, cộng với chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại thành phố lớn này và một số vùng phụ cận, giới làm công nhân dệt may ít có cơ hội tích lũy. Có nhiều người làm nhiều năm ở phía Nam khi trở lại quê sinh sống vốn liếng tích lũy chẳng được bao nhiêu.

Ngành dệt may phát triển chẳng những tạo ra việc làm cho những người trẻ tại chỗ mà còn hút một lượng lớn công nhân là người Thừa Thiên Huế từ phía Nam trở về. Với đồng lương trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, sinh hoạt gần nhà, mặt bằng giá ở Thừa Thiên Huế không cao (mặt bằng giá ở các huyện còn thấp hơn nữa) đã tạo điều kiện nâng cao hơn đời sống của người lao động. Thu nhập ít hơn nhưng chi phí cho sinh hoạt cũng ít hơn nên người lao động có điều kiện tích lũy hơn. Đây là một ưu điểm đáng chú ý khi phát triển ngành dệt may tại địa bàn tỉnh.

Dệt may giữ vai trò chủ đạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ảnh: Thanh Hương

Lợi thế thứ hai, như trên đã nói là góp phần tăng mạnh KNXK. Các ngành hàng xuất khẩu kỳ vọng đưa lại lợi nhuận cao hơn so với những sản phẩm bán tại thị trường trong nước, nghĩa là đưa lại lợi nhuận nhiều hơn cho các doanh nghiệp. Từ đây sẽ tác động lên nguồn thu ngân sách theo hướng tăng lên theo hai chiều - xuất khẩu và nhập khẩu. Từ tháng 1/ 2019 Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với thuế suất giảm dần về 0%, cộng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ được ký kết sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Trong đó có Thừa Thiên Huế - nơi được xác định là một trung tâm dệt may. Năm 2018, KNXK ngành dệt may cả nước là 36 tỷ USD, Thừa Thiên Huế chiếm khoảng gần 2%. Điều này cho thấy dư địa để nâng KNXK của ngành dệt may vẫn còn rất lớn.

Tuy nhiên, phát triển ngành dệt may, tất cả không phải là đều thuận lợi. Theo cam kết của CPTPP, muốn được hưởng thuế suất thấp khi tham gia xuất khẩu thì ngành dệt may của nước đó phải đi từ sợi. Nghĩa là phải trải qua ba công đoạn chứ không phải chỉ có hai công đoạn đi từ vải như các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây. Quy tắc ba công đoạn đều phải thực hiện xuất xứ từ các nước nội khối cam kết CPTPP.

Theo số liệu thống kê, ngành dệt may Việt Nam chưa chủ động trong nhiều công đoạn. Có đến 80% lượng vải là nhập khẩu, trong đó khoảng 50% là từ Trung Quốc. Trung Quốc không phải là thành viên nội khối CPTPP. Điều này có nghĩa, những ưu đãi về thuế xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không được tận dụng nhiều. Ngành dệt may Thừa Thiên Huế còn “non trẻ” so với nhiều trung tâm dệt may khác trong cả nước nên cũng không thể nằm ngoài dòng chảy này!

Đến đây thì chúng ta có thể thấy, mặc dù các hiệp định thương mại “thế hệ mới” đã tạo nhiều điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu, nhưng với điều kiện phải nắm bắt được cơ hội và đáp ứng đầy đủ những điều kiện. Cụ thể đối với ngành dệt may là phải chủ động đi từ giai đoạn sản xuất sợi; hoặc nếu nhập khẩu sợi thì phải bắt đầu làm tốt công đoàn từ sản xuất vải. Nhưng như trên đã nói, các công đoạn này ngành dệt may Việt Nam còn yếu. Như vậy, ngành dệt may của Thừa Thiên Huế, về cơ bản vẫn là gia công trong hiện tại và có thể nó kéo dài trong một thời gian dài sắp tới. Chúng ta thu được lợi rất ít trong chuỗi cung ứng của ngành dệt may. Điều “động viên” duy nhất cho chúng ta là giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tức là góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở lĩnh vực xã hội. Thôi thì, trong điều kiện hiện tại, “có vẫn hơn không”!

LÊ PHƯƠNG