Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Internet

Trong một báo cáo do Ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore công bố tuần trước, nhà kinh tế cấp cao Irvin Seah dự đoán rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ có thể vượt mặt Singapore vào năm 2029 nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định từ 6% - 6,5% và Singapore tiếp tục tăng trưởng 2,5%/năm như hiện tại.

Nhận xét về báo cáo, nhà kinh tế Chua Hak Bin của Maybank Kim Eng nói với giới truyền thông Singapore rằng chỉ cần 5 đến 6 năm để Việt Nam vượt Singapore nếu điều kiện tăng trưởng không thay đổi.

Quay trở lại năm 2017, theo Niên giám thống kê ASEAN 2018, GDP của Việt Nam đạt 224 tỷ USD, chỉ bằng 69% so với tổng số 324 tỷ USD trong GDP của Singapore. Xếp theo thứ tự, Indonesia - quốc gia lớn nhất ASEAN về quy mô và dân số, có nền kinh tế mạnh nhất khu vực, trị giá 1.000 tỷ USD, tiếp theo là Thái Lan (456 tỷ USD), Singapore, Malaysia (317 tỷ USD), Philippines (314 tỷ USD) và Việt Nam. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người là một chỉ số có ý nghĩa hơn về sức mua và mức sống của một quốc gia, theo đó Singapore đứng đầu khu vực với 57.722 USD/người trong năm 2017 - cao hơn 24 lần so với mức 2.390 USD/người của Việt Nam.

Những thách thức

cần vượt qua

Việt Nam phải đối mặt với một số lo ngại nếu muốn hiện thực hóa những dự đoán này, với lạm phát là một trong những vấn đề cần được chú trọng. Theo các nhà phân tích, để giữ mức lạm phát năm 2019 dưới 4% là thách thức đối với cơ quan quản lý, khi dự kiến có nhiều điều chỉnh về giá như giá điện, điều chỉnh giá theo lộ trình một số dịch vụ y tế, giáo dục; điều chỉnh tiền lương… trong đó, ẩn số lớn nhất của lạm phát trong năm nay chính là giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị gia tăng trong khu vực cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và những tác động đi kèm của nó, Việt Nam - cũng như các nước khác trong khu vực - cần phải thận trọng trước sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu.

Đáng chú ý, trong khi Chỉ số vốn con người (HCI) của Việt Nam xếp thứ 48 trên 157 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ 2 ở ASEAN, chỉ sau Singapore, theo báo cáo Chỉ số vốn con người 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), thì Việt Nam vẫn cần có một lực lượng lao động có tay nghề cao và để cân bằng với chi phí lao động đang ngày càng cao.

Giá dầu tăng, cải thiện liên kết giao thông và giải quyết bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục là những mối quan tâm không kém phần quan trọng cần phải xem xét nếu Việt Nam muốn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Thực tế, lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam vẫn chưa bắt kịp các nước khác trong khu vực, mặc dù số lượng người dân có tài khoản ngân hàng đã có sự tăng trưởng ấn tượng với 66,6 triệu người có tài khoản ngân hàng, chiếm 59% dân số, tăng gấp 4 lần so với con số 16 triệu của năm 2010, theo số liệu của Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Một thách thức khác đối với Việt Nam cần phải đề cập đến là vấn đề quản lý nguồn nước. The ASEAN Post dẫn lời TS Phạm Quý Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói rằng, hiện có khoảng 8,5 triệu người ở thành thị và 41 triệu người ở nông thôn thiếu nước sạch. Theo ông, 60% dân số Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước ngầm để lấy nước, và chính tỷ lệ khai thác cao đang khiến mực nước hạ thấp nhanh chóng ở các khu vực trọng điểm quanh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong ASEAN do biến đổi khí hậu. Lượng mưa tăng lên dẫn đến nguy cơ lũ lụt cao ở Việt Nam, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và nền kinh tế đất nước.

Điểm đến thu hút đầu tư

Được tăng cường bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng 7,1% trong năm ngoái - cao thứ 2 châu Á, chỉ sau Ấn Độ với mức 7,2%, đứng vào nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Và mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, nhưng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ duy trì ở mức khá cao 6,8% trong năm nay.

Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ 2 tại ASEAN sau Malaysia. Đầu tư vào lĩnh vực này đang tăng nhanh và các “đại gia hàng điện tử” như Samsung, Microsoft là những nhà đầu tư đáng chú ý nhất. Song song đó, chi phí nhân công cạnh tranh cũng là một lợi thế giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất hấp dẫn.

Quan trọng hơn, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và Đảng cầm quyền đã chi mạnh tay cho các dự án cơ sở hạ tầng, cao nhất tính theo phần trăm GDP trong ASEAN, The ASEAN Post nêu rõ.

Việt Nam chia sẻ nhiều rủi ro và thách thức giống như các nước khác trong khu vực, nhưng nền tảng kinh tế cơ bản của Việt Nam rất mạnh mẽ và có chính sách vững chắc đang đi đúng hướng, mang lại cơ hội tăng trưởng to lớn cho các công ty và nhà đầu tư.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ The ASEAN Post & Nikkei Asian Review)