Họa sĩ Phạm Trinh

Bằng chất liệu acrylic, hơn 20 tác phẩm về chủ đề này là những cảm xúc riêng của họa sĩ Phạm Trinh về vẻ đẹp thâm u mà lộng lẫy của một thời hoàng kim. Trong chùm tác phẩm ấy, tất cả mặt người đều không hiện hữu một cách có chủ ý, để người thưởng ngoạn tự hình dung nhân vật, có thể đẹp hay xấu, nhân từ hoặc hung dữ, tùy theo cảm nhận.

“Bóng tiền nhân” được Phạm Trinh thai nghén đến 30 năm. Với chủ đề này, những sáng tác của họa sĩ Phạm Trinh đậm chất hoài niệm về vương triều Nguyễn huy hoàng phai tàn bởi thời gian và chiến tranh. Anh chia sẻ: “Bóng tiền nhân là tất cả những gì tôi ấp ủ bấy lâu nay về Huế. Mỗi lần đến thăm di tích Đại Nội, lăng tẩm, tôi luôn cảm thấy những vàng son lộng lẫy thuở nào như cứ chập chờn, lẩn khuất trong cung điện, bên cổng thành, trong Thế Miếu, hay đâu đó ở lăng tẩm. Ẩn hiện, tan chảy và nhạt phai dưới những vệt màu trôi nổi, lãng đãng như khói mây”.

Tác phẩm “Bóng tiền nhân” (số 0)

Từ những năm cuối thập niên 80, khi đến Huế học ở Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, chàng sinh viên mỹ thuật đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp của lăng tẩm, kinh thành Huế. “Những trưa hè oi ả, những chiều bóng xế tà, tôi hay vào Đại Nội vẽ phong cảnh. Dưới những bóng cây cổ thụ, những thành quách rêu phong, cổ kính như ẩn, như hiện, mang đến cho tôi cảm xúc khó tả. Lúc ấy, kinh thành vẫn còn dấu vết của sự hoang vu, vắng vẻ nhưng đẹp đến ray rứt, tiếc nuối”, họa sĩ nhớ lại.

Gần 30 năm ấp ủ ước muốn vẽ về triều Nguyễn, năm 2017, khi cảm thấy thời gian đủ dài để thấm về văn hóa Huế, họa sĩ Phạm Trinh bắt tay vào vẽ loạt tranh “Bóng tiền nhân”. Dựa vào tư liệu của những ngày lang thang ghi chép, ký họa và những tư liệu lịch sử về triều Nguyễn, anh sáng tác liền mạch bằng chất liệu acrylic trên canvaz, cùng một bút pháp với một chủ đề xuyên suốt. Bộ tranh gồm 21 bức, được đánh số từ 0 đến 20 và chủ đề này đang được anh tiếp tục khai thác.

Tác phẩm "Rừng chết"

Năm 2018, Phạm Trinh là một trong những họa sĩ được nhận tặng thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật với tác phẩm “Những gương mặt”. Đó là 18 gương mặt thể hiện tất cả những trạng thái cảm xúc: vui, buồn, hỉ, nộ, ái, ố… của con người. Không vẽ chân dung cụ thể của bất cứ ai nhưng người xem có thể cảm nhận đó là gương mặt của chính tác giả, của một người nào đó hoặc của chính mình. Tranh chân dung cũng là thể loại họa sĩ Phạm Trinh theo đuổi nhiều năm nay. Hầu hết chân dung trong tranh Phạm Trinh đều bị bóp méo gương mặt để diễn đạt sâu hơn tâm trạng.

Tác phẩm “Con trâu”

Xuất thân từ vùng quê của Bình Định, tuổi thơ của họa sĩ Phạm Trinh gắn bó với con trâu, cái cày, ruộng lúa... Thế nên, những khung cảnh làng quê với đồng ruộng xanh mướt, những chú mục đồng thổi sáo chăn trâu xuất hiện khá nhiều trong những bức tranh sơn mài của anh. Với loạt tranh về nông thôn Việt Nam, họa sĩ vẽ khá dễ dàng, bởi tự nó đã có sẵn trong anh, cứ thế tuôn trào, gợi nhớ cho mọi người ký ức về quê hương yên bình thuở ấu thơ. Những hình ảnh quen thuộc, giản dị ấy trong tranh của Phạm Trinh cũng được hoa hậu Ngọc Hân sử dụng làm họa tiết in lên áo dài trong bộ sưu tập “Bức họa đồng quê”, được trình diễn trong Festival Nghề truyền thống Huế 2017.

Tốt nghiệp Khoa Hội họa, chuyên ngành sơn mài nhưng Phạm Trinh không chỉ tạo được dấu ấn qua những bức tranh sơn mài mà cả acrylic và sơn dầu. Hơn 30 năm bươn chải mưu sinh để theo đuổi đam mê nghệ thuật, anh vừa vẽ tranh phục vụ khách du lịch, vừa sáng tác những tác phẩm nghệ thuật cho riêng mình. Không bó hẹp trong bất cứ khung đề tài nào, Phạm Trinh vẽ mọi điều anh bắt gặp, khiến anh cảm xúc trong cuộc sống. Với những đề tài tâm đắc, anh thường vẽ theo seri, như chủ đề chân dung, thiếu nữ, bóng tiền nhân, nông thôn…

Nhiều tác phẩm khác của họa sĩ Phạm Trinh thể hiện những trăn trở về nhân sinh với những lo toan của cuộc sống, về sự sống còn, môi trường... Trên hết, điều anh mong muốn là tác phẩm của mình có thể mang đến cảm giác tích cực, sự thích thú cho người xem.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN