Không phải là vấn đề mới

Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XII) ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” chỉ rõ: “Xây dựng quy định về việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để “có lên, có xuống”,“có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”. Nhưng hiện có nhiều ý kiến khác nhau về sự cần thiết hay không khi ban hành thêm luật từ chức. Dư luận hướng theo xu thế đồng tình, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng trong các quy định của Đảng và Luật Công chức đã đề cập, nên chỉ cần điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, chặt chẽ hơn. Quy định số 08 xác định phải hoàn thiện văn bản liên quan, như vậy đã định hướng đòi hỏi vấn đề từ chức là một trong những nội dung cần thiết. Khi đã có văn bản pháp lý của Đảng, Nhà nước thì từ chức sẽ trở thành hoạt động bình thường, một nếp văn hóa ứng xử của cán bộ.

Trong các văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan có một số quy định như: Thôi giữ chức, miễn nhiệm và từ chức. Từ chức thường gắn với ý thức tự giác của cá nhân trước khi có tác động, xử lý của tổ chức, đòi hỏi của dư luận xã hội. Từ chức không phải là vấn đề mới đối với nhiều nước trên thế giới. Đa phần các quốc gia, từ chức là văn hóa hành xử, trở thành trách nhiệm của người có chức quyền, được dư luận xã hội chấp thuận và được coi như là một hoạt động bình thường.

Ở Việt Nam, vấn đề từ chức không phải mới nhưng vẫn được coi như là “sự kiện ít khi diễn ra” trong hành động tự giác của lãnh đạo. Có cán bộ lãnh đạo tự giác từ chức khi cảm thấy không hoàn thành nhiệm vụ, sức khỏe yếu hoặc cấp dưới sai phạm. Nhưng rất tiếc đây chỉ mới là thiểu số, chủ yếu là ở cấp cơ sở. Số lãnh đạo cấp cao tự giác từ chức rất hiếm hoi, có chăng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 2004, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ chức, dù không dính tư lợi đối với vụ án tham ô của Lã Thị Kim Oanh nhưng tự thấy vẫn phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp dưới vi phạm. Thời điểm đó chưa có quy định về trách nhiệm nêu gương, nhưng ông vẫn từ chức một cách đàng hoàng, nhẹ nhàng mặc dù không khỏi day dứt khi quản lý thiếu chặt chẽ để cấp dưới vướng vào lao lý.

Xây dựng văn hóa từ chức

 Biết rõ trách nhiệm của mình với những sai phạm trong đơn vị, nếu tự thấy sẽ phải sớm khắc phục hoặc tự nguyện từ chức, tuy nhiên, phần lớn cán bộ lãnh đạo lại không tự giác mà lại tìm cách chạy tội, đổ lỗi khi chưa bị cấp trên khuyến cáo, nhắc nhở. Tâm lý chung là so sánh người khác cũng sai như mình mà không từ chức thì không dại gì tự chuốc lấy thiệt thòi cho bản thân? Từ đó cho thấy, một khi chưa có quy định bằng các hình thức cụ thể thì đòi hỏi tính tự giác rất khó.

Một đặc điểm khác là người Việt có quan niệm khi ai đó rời chức vụ đồng nghĩa với bị kỷ luật cách chức. Điều này tạo nên mặc cảm cho người từ chức khi bị mọi người xa lánh, đồn thổi. Trong công tác cán bộ lâu nay, chúng ta quen nếp có lên nhưng không có xuống, trừ khi bị kỷ luật cách chức, bãi nhiệm. Khi đã bị xuống thì con đường phấn đấu đi lên trở lại rất khó, thậm chí không còn cơ hội. Những đặc điểm đó làm hạn chế thái độ tự giác rời khỏi chức vụ nếu như không có văn bản pháp quy ràng buộc. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tính tự trọng, liêm sỉ, cao thượng, dũng cảm xuất phát từ lương tâm tự chịu trách nhiệm với chính mình, với tổ chức. Khi có lương tâm và trách nhiệm thì từ chức sẽ đàng hoàng, công khai, minh bạch, không e sợ bất kỳ một sức ép nào. Cần phải thay đổi quan niệm để từ chức trở thành phương thức vận động tích cực trong xây dựng Đảng, công tác cán bộ.

Năm 1997, nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) đã chỉ ra yêu cầu: “Xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức,…thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ”. Đã hơn 20 năm nhưng nghị quyết này vẫn chưa được thực hiện một cách rốt ráo. Đã đến lúc cần xây dựng quy định hoặc luật từ chức làm cẩm nang cho công tác cán bộ. Lãnh đạo ở mọi cấp tự soi vào đó để xử sự một cách đúng đắn khi không còn đủ uy tín. Từ chức sẽ là một ứng xử bình thường, dần dần thành nếp văn hóa trong công tác tổ chức cán bộ - văn hóa từ chức.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH