Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7/6, Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về 1 nội dung của dự thảo Luật Kiến trúc và 1 nội dung trong phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98

Công ước số 98 có 3 nội dung cơ bản: Người lao động và cán bộ công đoàn phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm; tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động và Nhà nước phải có những biện pháp về luật pháp và thiết chế để thúc đẩy cho thương lượng tập thể.

Quốc hội biểu quyết thông qua 1 nội dung trong việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với 61,78 số phiếu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tất cả các bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98.

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Trong quá trình tiến xây dựng tờ trình, các bộ đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức quốc tế để rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, các điều kiện, tiêu chuẩn để đánh giá sự cần thiết, tính khả thi cũng như kế hoạch, chương trình cụ thể khi gia nhập Công ước số 98.

"Đến thời điểm này, việc chúng ta phê chuẩn gia nhập Công ước số 98 là cần thiết và có thể khẳng định là đã chín muồi. Các quy định của Công ước 98 hoàn toàn thực thi hiệu quả được, các điều kiện chúng ta cam kết hoàn toàn phù hợp Hiến pháp, pháp luật Việt Nam" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Đổi mới hoạt động công đoàn khi tham gia Công ước

Vấn đề mà nhiều đại biểu băn khoăn là sau khi gia nhập Công ước số 98, bên cạnh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có thể sẽ có một số tổ chức đại diện người lao động khác được thành lập, hoạt động. Vấn đề các đại biểu đặt ra là việc sửa đổi pháp luật liên quan và chủ trương về quản lý. Một số đại biểu đề nghị phải có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể khi gia nhập Công ước.

"Chúng tôi cũng rà soát, đánh giá khó khăn, thách thức mà chúng ta phải vượt qua... Trong đó có vấn đề rất lớn là làm sao thúc đẩy thương lượng tập thể thực chất nhưng phải giữ vững được quan hệ, cũng như ổn định kinh tế- xã hội, nhất là khi ra đời các tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở bên cạnh tổ chức Tổng Liên đoàn. Chắc chắn là sẽ gặp những vấn đề khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, chúng ta phải biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi về vấn đề này.

Bộ trưởng cũng lý giải, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và Luật Công đoàn và các luật liên quan. Còn các tổ chức khác của người lao động bên cạnh Tổng Liên đoàn chỉ là tổ chức xã hội, hoạt động với mục đích đơn thuần về quan hệ lao động.

Để đảm bảo các tổ chức đại diện người lao động hoạt động một cách thực chất, đảm bảo quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đã có kế hoạch về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan đến: quyền tham gia, thành lập tổ chức đại diện người lao động; điều kiện tiêu chuẩn về số lượng thành viên cũng như tổ chức của người lao động tại cơ sở; điều lệ, tôn chỉ, mục đích của các tổ chức...

Đại biểu Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đây cũng thời cơ, thách thức mà tổ chức Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình do Đảng và Nhà nước giao.

"Chúng tôi đang xin trình cấp có thẩm quyền xây dựng đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó cũng thiết kế về mặt tổ chức, hoạt động phù hợp theo thông lệ quốc tế và tiếp thu kinh nghiệm của một số nước" - ông Bùi Văn Cường cho biết.

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, trong đó tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Thứ nhất là tập trung vào nhiệm vụ đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người lao động. Thứ hai là tập trung vào việc chăm lo lợi ích đoàn viên, lấy lợi ích là điểm tập hợp để người đoàn viên đến tổ chức công đoàn.

Thứ ba là xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đảm bảo được năng lực trình độ ngang tầm nhiệm vụ và đáp ứng được yêu cầu, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Thứ tư là xây dựng nguồn lực đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của công đoàn, trong đó vấn đề công khai minh bạch về tài chính. Thứ năm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động biết đến Công đoàn Việt Nam và tham gia với Công đoàn Việt Nam.

Kết luận nội dung này tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp thu cả nội dung, kỹ thuật lập pháp, nhất là những nội dung cam kết quốc tế để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2019.

"Về một số nội dung mới về cách thức thiết lập tổ chức, mối quan hệ giữa các tổ chức đại diện người lao động quan hệ với tổ chức công đoàn như nào thì chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu kỹ khi sửa đổi Luật Công đoàn. Tôi tin rằng, chắc chắn tổ chức công đoàn phải vươn lên trong thời gian tới để hoàn thành vai trò của mình theo Hiến pháp, luật pháp, để bảo vệ lợi ích của công nhân, người lao động Việt Nam, đồng thời góp phần vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó vào đầu giờ sáng, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua quy định có văn phòng kiến trúc sư trong dự án Luật Kiến trúc. Quốc hội cũng bỏ phiếu thông qua một nội dung trong phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Theo TTXVN