Đường Phạm Văn Đồng không còn rộng trước nhu cầu giao thông hiện nay. Ảnh: ANH PHONG

Đường Điện Biên Phủ khi mới mở rộng được cho là một con đường rộng ở Huế, nhưng nay thì đã chật vì phương tiện lưu thông nhiều. Cứ mỗi buổi sáng, người xuống kẻ lên có khi đông nghịt hai làn đường; mỗi khi có tàu lửa chạy ngang là ùn ứ.

Tương tự, đường trục chính nối cầu Vỹ Dạ về Thuận An (qua khu quy hoạch Vỹ Dạ trước đây và nhiều khu quy hoạch bây giờ) được cho là “rộng rãi” ở vào thời điểm đó thì bây giờ đã trở nên nhỏ trước nhu cầu giao thông. Nhiều con đường khác cũng vậy – đường Trường Chinh nối về khu quy hoạch Kiểm Huệ và bây giờ là một loạt khu quy hoạch khác như An Cựu city…

Ở đây, nếu xét về điều kiện cũng khó có thể nói các nhà quy hoạch “có tầm nhìn hạn chế”. Đô thị Huế phát triển sau rất nhiều các đô thị lớn trong nước, đó là chưa nói đô thị của các nước trong khu vực. Các nhà thực hiện quy hoạch không thiếu cơ hội để tiếp cận, học hỏi và rút ra một điều gì đó cho việc mở rộng đô thị Huế, nhưng với điều kiện kinh phí hạn hẹp nên có khi “lực bất tòng tâm”.

Nhìn thấy rõ nhất về sự “lực bất tòng tâm” là con đường Điện Biên Phủ nói trên. Vì dựa theo hiện trạng và mở rộng những nơi có thể (để hạn chế đền bù) nên con đường có chỗ rộng 19,5m và có chỗ đến 26m. Lên đến Nam Giao con đường bị bó hẹp lại ở đường Minh Mạng và Lê Ngô Cát. Sự bó hẹp này hạn chế lưu thông rất nhiều. Ai chẳng muốn làm rộng rãi nhưng do nguồn kinh phí có hạn!

Cũng đúng thôi. Mỗi năm, dù ngân sách tỉnh chỉ bố trí chừng vài trăm tỷ đồng cho việc này. Gần đây, có sự tham gia của khối tư nhân ở những khu quy hoạch trong làm hạ tầng nhưng cũng chủ yếu là ở “nội khu” để nâng cao giá trị đất. Còn phương tiện giao thông là sự huy động tổng lực chi phí của người dân. Mỗi nhà trung bình một hai chiếc xe gắn máy. Rồi xe đạp điện cho trẻ em đến trường. Chừng 5 năm qua, nhìn trên đường phố, chúng ta thấy tốc độ phát triển của ô tô rất cao. Đó là nhu cầu người dân trong tỉnh. Còn nhu cầu của khách vãng lai: khách du lịch, khách đến Huế với nhiều lý do khác. Hơn 4 triệu khách du lịch đến Huế trong năm 2018 đã đẩy mật độ giao thông tăng rất lớn. Nhu cầu này được dự báo là sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới. Đường phố ngày càng chật chội hơn là điều chúng ta có thể nhìn thấy trước.

Thế nhưng giải pháp như thế nào cho điều này chưa thấy được đặt ra!?

Cách đây nhiều năm, để giải quyết nhu cầu giao thông đô thị và nối tuyến với nhiều huyện trong tỉnh, các tuyến xe buýt đã được thành lập. Để kích cầu ban đầu, ngân sách tỉnh hàng năm phải bù lỗ. Không biết bây giờ tình trạng bù lỗ (hay gọi hỗ trợ) có còn không? Nhưng vấn đề phát triển giao thông công cộng ít được bàn tới. Trên đường phố, vẫn còn thấy các tuyến xe buýt nhưng có vẻ như nó ít được quan tâm nâng cấp. Nhìn những chiếc xe buýt mang tên Hoàng Đức thấy hết sức cũ kỹ và… có vẻ chẳng bao giờ nó chạy điều hòa.

Chúng ta không chăm lo phát triển giao thông công cộng ngay từ đầu thì phương tiện cá nhân sẽ phát triển (như trên đã mô tả); khi đó, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông sẽ khó hơn nhiều.

Ở Huế, với nhiều cây xanh và dòng sông. Cảnh quan thiên nhiên đẹp. Hệ thống cây xanh ngày càng chăm chút và trồng nhiều hơn, tức là đường phố rợp mát hơn. Chúng ta thử đặt vấn đề nghiên cứu và vận động người dân sử dụng xe đạp để đi làm, lưu thông những đoạn đường ngắn thử như thế nào? Có khi nó cũng là một trong những yếu tố góp phần cho việc xây dựng một thành phố Huế xanh – sạch – đẹp – văn minh như tỉnh đang tập trung chỉ đạo.

NGUYÊN LÊ