- Chị xuống mô?- Tôi bắt chuyện với một chị bên cạnh, cho đường bớt dài. 

- Tui vô trại thăm con mà không biết một tháng chỉ được gửi đồ hai lần. Chừ là lần thứ ba nên cán bộ nói không gửi được. Đành đem về.

Con của chị, nghe đâu đã hai mấy tuổi, vừa phải vô trại cải tạo vì bài bạc. “Tui cứ nói hoài, là con lớn rồi, phải kiếm cái nghề, còn lấy vợ. Ăn chơi hoài, khi mẹ già rồi ai lo”.

Tò mò, tôi hỏi xem chị gửi chi cho con ở trại. Chị nói, có hai ổ mì xíu, mấy quả chanh, một ít đường và vài củ khoai luộc. “Không có chi cả nhưng ở nhà nóng ruột. Vô, không gặp được nhưng nhận được đồ, nó biết ở nhà mình nhớ, mình lên thăm, mình quan tâm, không bỏ, cho nó yên tâm tu dưỡng”, chị bộc bạch.

Trên chặng đường hôm ấy, tôi biết thêm về hoàn cảnh của chị. Chồng bỏ đi khi con còn nhỏ, chị ở vậy làm lụng nuôi con. Đến mùa thì cấy cày, hết vụ thì đi làm thuê, cào hến, lên rừng chặt củi...

‘‘Mình cực khổ, một đời lo cho con mà sao nó chẳng thương mình. Tiền tui cất chỗ mô nó cũng lục được. Dành dụm đồng nào, nó lấy tiêu hết. La mắng thì nó bỏ nhà đi. Mấy lần tui cho tiền nó đi học nghề nhưng tiêu hết tiền lại về đòi nữa”, chị bật khóc như một đứa trẻ, khi nhắc đến những thói hư tật xấu của con.

- Thôi nín đi chị. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nước mắt chảy xuôi mà - Người phụ nữ kế bên vỗ về lên đôi vai gầy của chị.

Tôi thấy lòng mình quặn lại khi những giọt nước mắt lăn dài, nối nhau không ngớt trên gò má xạm đen, khô khốc của người mẹ ấy.

Tôi cố an ủi chị bằng cái nắm tay thật chặt. Những vết chai sần trên bàn tay chị cứa vào da, đau nhói. Đôi tay gầy như nhánh củi tre đầy những mắt...

Ước chi con trai chị biết một lần cầm lấy đôi bàn tay chai sần vất vả của mẹ. Một lần biết xót xa, đau lòng khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má sạm đen ấy. Để nước mắt chị không còn chảy...

NHẬT NGUYÊN