Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: Reuters

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (fintech) làm gia tăng khả năng tiếp cận các hệ thống thanh toán và quyết toán giá rẻ cho những hộ gia đình có thu nhập thấp ở các quốc gia mới nổi, nơi mạng lưới ngân hàng truyền thống đang khan hiếm.

Tuy nhiên, điều này làm dấy lên mối quan ngại về sự thống trị ngày càng tăng của những công ty công nghệ lớn trong thanh toán di động, điều này có thể buộc các nhà hoạch định chính sách toàn cầu phải suy nghĩ lại về cách họ điều chỉnh hệ thống ngân hàng và đảm bảo thanh toán tài chính được thực hiện một cách an toàn.

"Một sự gián đoạn đáng kể đối với bối cảnh tài chính có thể đến từ các công ty công nghệ lớn, những người sẽ sử dụng cơ sở khách hàng khổng lồ và túi tiền của họ để cung cấp những sản phẩm tài chính dựa trên dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo", Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh trong một hội nghị chuyên đề về công nghệ tài chính, được tổ chức bên lề cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Fukuoka, phía nam Nhật Bản.

Mặc dù sự đổi mới này có thể giúp hiện đại hóa các thị trường tài chính, nhưng chúng có thể khiến hệ thống tài chính dễ bị tổn thương, thông qua việc đặt hệ thống thanh toán và quyết toán dưới sự kiểm soát của một số ít gã khổng lồ công nghệ, bà Christine Lagarde nói thêm.

"Điều này đưa ra một thách thức mang tính hệ thống đối với sự ổn định và hiệu quả tài chính, và tôi hy vọng chúng ta có thể bàn thảo trong cuộc họp của G20, cũng như giải quyết một cách hợp tác, nhất quán", bà Christine Lagarde cho hay.

Được biết, việc giải quyết những ưu và nhược điểm của đổi mới tài chính là một trong số những chủ đề được thảo luận tại cuộc họp kéo dài 2 ngày của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của G20, bắt đầu từ ngày 8/6.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters)