Du khách đến tham quan Huế cùng tham gia hoạt động thả diều ở Quảng trường Ngọ Môn

Cơ hội quảng bá 

Làm diều và thả diều là một thú chơi có từ xa xưa ở Việt Nam, nhưng để nâng cánh diều lên thành một nghệ thuật, nét văn hóa của vùng miền thì không phải nơi nào cũng làm được như ở Huế. Nghệ thuật diều Huế được đánh giá cao vì nó thể hiện sự kết hợp của mỹ thuật tạo hình, hội họa, chất liệu sản phẩm và sự đam mê cũng như kinh nghiệm của người chơi.

Hiện nay, thương hiệu diều Huế không chỉ nổi tiếng trong nước mà được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến qua các cuộc triển lãm, liên hoan hay những lễ hội lớn. Những cánh diều nghệ thuật đã theo chân các nghệ nhân đi đến nhiều nước trên thế giới, như Indonesia, Ấn Độ, Pháp, Thái Lan hay các Festival biển Vũng Tàu, Nha Trang,… và  đem về nhiều giải thưởng danh giá cho Huế.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, trong cuộc sống có nhiều thay đổi theo xu thế của hội nhập, nghề làm diều và các hoạt động giải trí liên quan tới diều có nguy cơ mai một nếu không gìn giữ và tạo sức sống mới cho diều Huế.

Lần đầu tiên, “Lễ hội Diều Huế” được tổ chức độc lập, không gắn với Festival Huế hay Festival Nghề truyền thống Huế. Theo Sở Du lịch, lễ hội sẽ trở một sự kiện được tổ chức thường xuyên để phục vụ khách du lịch. Lễ hội còn tạo cơ hội giao lưu giữa các nghệ nhân làm diều và giới thiệu sản phẩm diều ra với du khách trong, ngoài nước.

Giới trẻ thích thú với hoạt động thả diều

Lễ hội còn góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống làm nghề diều của Huế và khẳng định thương hiệu diều Huế vẫn đang còn được gìn giữ và chờ cơ hội để phát triển.

Vui mừng nhất chính là các nghệ nhân diều, những người dành cả đời để theo đuổi với nghệ thuật diều. Nghệ nhân diều Nguyễn Văn Hoàng, cơ sở diều Anh Vũ bộc bạch, đây là cơ hội để các nghệ nhân và những người đồng điệu với nghệ thuật diều có cơ hội gặp gỡ. Nghệ thuật diều được tôn vinh cũng giúp những nghệ nhân như ông thêm động lực theo đuổi với những cánh diều, để du khách khi đến Huế thường xuyên bắt gặp cánh diều tung bay trên bầu trời Cố đô nhiều hơn.

Thêm sản phẩm phục vụ du lịch

Theo các nghệ nhân diều ở Huế, dù nghệ thuật diều Huế nổi tiếng, nhưng lâu nay diều Huế vẫn chưa được nhiều du khách biết đến. Các tour du lịch trải nghiệm làm diều, hay thả diều ở Huế vẫn còn khiêm tốn. Thả diều vào mùa hè, nhưng các tour thường đưa khách đến trải nghiệm làm diều lại vào mùa đông (vì mùa đông các sản phẩm khác ít diễn ra). Sau khi làm diều thì du khách không thể đi thả diều nên ý nghĩa của tour giảm hẳn, tính hấp dẫn cũng bị ảnh hưởng.

Mô phỏng diều cá được trưng bày tại triển lãm diều Huế trong khuôn khổ "Lễ hội Diều Huế 2019"

Đơn vi tổ chức Lễ hội Diều Huế 2019 cho biết, từ thực tế đó, mục tiêu quan trọng nhất của lễ hội là tạo ra một hoạt động có tính cộng đồng cao, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, đặc biệt là hoạt động thả diều vào các buổi chiều tại Quảng trường Ngọ Môn để du khách cùng tham gia, vào đầu mùa du lịch nội địa năm nay.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho hay, thông qua các hoạt động có tính thử nghiệm trong Lễ hội Diều Huế 2019, cùng với các lễ hội, hoạt động được tổ chức từ năm ngoái và lễ hội Hiphop, Lễ hội Lân dự kiến được tổ chức trong năm nay sẽ tiến tới hình thành chuỗi lễ hội, sự kiện trải đều trong năm. Đây hứa hẹn sẽ tạo thêm sản phẩm, hoạt động, nhất là vào ban đêm để thu hút khách đến Huế, giữ chân du khách ở lại lâu hơn.

Trong Lễ hội Diều lần này, chương trình áo dài được tổ chức, đây cũng được xem là thử nghiệm để hướng đến tổ chức một minishow định kỳ vào các tối cuối tuần, tăng thêm sức hút cho phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu đi bộ trên sông Hương trong thời gian đến.

Bài, ảnh: Đức Quang