Một người anh chừng 65 -66 tuổi sống gần dòng sông này từ nhỏ. Trước đây con đường ven sông có tên gọi là Vạn Vạn, sau đó đổi lại thành đường Hải Triều. Anh kể rằng, cả tuổi thơ anh gắn bó với đoạn sông này. Trưa hay chiều “tụi” nhỏ trong xóm thường ra dòng sông này tắm. Tắm sông cũng là một thú vui của tuổi thơ. Chúng hay bày trò chơi cút bắt.
Giờ thì chuyện tắm sông An Cựu không còn nữa. Giặt giũ áo trên sông An Cựu cũng không còn. Những bến nước buồn hiu. Nó đã không còn nữa từ hàng chục năm nay rồi. Lý do là dòng sông không còn sạch, trong xanh như trước chứ không phải là vì “tụi” trẻ có lắm trò chơi hiện đại bây giờ thay thế.
Mà đúng là sông An Cựu ngày càng bị ô nhiễm thật. Đủ loại nước thải đổ trực tiếp xuống dòng sông này. Dù có một đội công nhân của Công ty CP Môi trường& Công trình đô thị Huế chuyên chèo ghe vớt các loại rác thải trên mặt sông nhưng không thể làm triệt để được.
Rồi đây, hệ thống xử lý nước thải hiện đại của TP. Huế đang xây dựng có thể làm sạch nguồn nước từ các hệ thống thoát thu gom về. Nhưng có lẽ nó không thể xử lý được triệt để nước thải trên bề mặt trôi xuống. Nếu chúng ta không cải thiện và tính toán phương án xử lý điều này.
Quan sát thấy, nhiều chợ ở TP. Huế thường nằm ven theo các con sông. Chợ ở nhiều huyện, xã cũng vậy. Điều này đã tồn tại từ xưa đến nay theo quan niệm “nhất cận thị, nhị cận giang”. Thị và giang là hai nơi thuận lợi cho giao thương buôn bán. Những ngôi chợ nổi tiếng ở Huế đều nằm men theo các dòng sông, như chợ Đông Ba, chợ Bến Ngự, chợ An Cựu, chợ Thanh Hà ...
Nhìn về các huyện, các chợ lớn cũng vậy. Chợ Truồi, chợ Cầu Hai, Chợ An Lỗ, chợ Phò Trạch… đều nằm ven theo các dòng sông. Từng một thời nó thuận lợi cho giao thương nhưng bây giờ có lẽ là không còn phù hợp nữa. Giao thông đường thủy không còn là một lợi thế. Với một lượng hàng hóa ngày càng lớn buôn bán ở các chợ, đặc biệt là hàng thủy hải sản nó làm cho các dòng sông ngày càng ô nhiễm. Chợ không phải là “thủ phạm chính” nhưng là yếu tố góp phần làm ô nhiễm các dòng sông.
Chợ là hình thức buôn bán truyền thống. Vị trí họp chợ cũng khó mà thay đổi, dù giao thông hủy không còn phổ biến và thuận lợi. Để các dòng sông không ô nhiễm từ nước thải ở chợ chỉ có một cách duy nhất là làm tốt công tác xử lý nước thải – nước thu gom từ hệ thống; nước thải đổ trực tiếp xuống sông. Điều này tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ. Những hàng thủy hải sản, gia cầm… buôn bán ven chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu đã xả nước thải trực tiếp xuống dòng sông. Nước thải được thải ra hàng ngày nên nước sông ngày càng ô nhiễm.
Về mặt quản lý nhà nước, phải quản lý tốt điều này. Những mặt hàng buôn bán ở chợ thải ra nước thải có khả năng gây ô nhiễm lớn nên bố trí những nơi phù hợp. Nước thải từ đây phải được thu gom và xử lý triệt để. Nếu không làm tốt điều này, các dòng sông vẫn sẽ còn tiếp tục bị ô nhiễm. Trẻ em những trưa hè rủ nhau đi tắm sông sẽ là một hình ảnh đi vào dĩ vãng.
Nguyên Lê