Khái niệm tài khóa trong kinh tế học là thu và chi ngân sách của Chính phủ. Nhà nước thì có Chính phủ ở cấp Trung ương và chính quyền địa phương. Những lĩnh vực tài chính đã phân cấp cho chính quyền địa phương theo quy định thì chính quyền địa phương có quyền thu và đề ra phương án chi phù hợp.

Đối với nước ta, một nước đang trong giai đoạn chuyển đổi phát triển. Có nhiều mục cần phải chi tiêu của Chính phủ, mà nhiều nhất là chi cho cơ sở hạ tầng nên hầu như năm nào nước ta cũng bội chi ngân sách. Hai năm vừa qua, mức bội chi được khống chế ở mức rất tốt, dưới tỷ lệ mà Quốc hội cho phép, tức là có vay thêm tiền nhưng ở mức độ kiểm soát tốt.

Trong toàn quốc, theo thống kê, có khoảng 13 tỉnh, thành cân đối được ngân sách và làm nghĩa vụ ngân sách Trung ương (số liệu 2016). Tất cả các tỉnh, thành còn lại phải nhận trợ cấp ngân sách Trung ương, trong đó có Thừa Thiên Huế, và tình hình chưa cải thiện nhiều trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kế hoạch và thực tế thu chi ngân sách địa phương ở tỉnh ta trong tương quan so sánh với các tỉnh vùng Trung bộ và Duyên hải miền Trung, chúng ta thấy cũng có một số điểm đáng chú ý. Nếu tính về chi thường xuyên, ngân sách địa phương của Thừa Thiên Huế có những cải thiện đáng kể.

Theo số liệu thống kê năm 2018, vùng Trung bộ và Duyên hải miền Trung, năm 2018, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 148.378 tỷ đồng thì chi là 151.592 tỷ đồng; bổ sung cân đối từ Trung ương về địa phương là 48.206 tỷ đồng.

Đối với Thừa Thiên Huế, nếu cân đối nguồn thu và chi tại chỗ cho chi thường xuyên thì nguồn ngân sách của Thừa Thiên Huế cân đối được và có chiều hướng cải thiện đáng kể. Chẳng hạn như quý I năm 2018, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước chỉ đạt 1.304,7 tỷ đồng thì tổng chi ước đạt 1.840,9 tỷ đồng. Trong khi đó, bước qua năm 2019 tình hình cải thiện đáng kể. Tổng thu ngân sách quý I năm 2019 ước đạt 1.850,6 tỷ đồng thì tổng chi ngân sách địa phương quý I năm 2019 ước đạt 1.711,2 tỷ đồng. Với một tỉnh thu ngân sách còn hạn hẹp, đây là một con số đáng chú ý.

Trong quá trình chuyển đổi phát triển, cũng như nhiều địa phương khác cần rất nhiều vốn cho đầu tư phát triển, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, ví dụ làm một con đường, một chiếc cầu, đập thủy lợi lớn... Mà lĩnh vực này thường ngốn một nguồn vốn rất lớn, ngân sách nhiều địa phương có nguồn thu thấp khó có thể cân đối được nên cần sự hỗ trợ từ Trung ương. Nhìn vào bảng cân đối ngân sách, chúng ta thấy, Thừa Thiên Huế nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương chủ yếu là chi cho đầu tư phát triển và một số nhiệm vụ (vừa là nhiệm vụ của địa phương và cũng là  nhiệm vụ của Trung ương như thực hiện mục tiêu quốc gia, hỗ trợ phát triển sự nghiệp)…

Ví dụ phần được Trung ương hỗ trợ năm 2019 có 1.410 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển và một phần lớn khác là: thực hiện mục tiêu quốc gia: 256 tỷ; mục tiêu phát triển sự nghiệp 482 tỷ…

Trong quy định thu chi ngân sách, có nhiều mục cân đối khác nhau và theo quy định phân cấp, tức là không phải mọi nguồn thu ở địa phương đều được đưa vào cân đối trực tiếp mà phải điều tiết về Trung ương, nên mặc dù con số tổng thu ngân sách trên địa bàn đề ra là hơn 7.213 tỷ đồng, nhưng phần được hưởng theo phân cấp chỉ gần 6.050 tỷ đồng. Phần chênh lệch thu và chi trên địa bàn được Trung ương điều tiết. Như sự so sánh tổng thu và tổng chi quý I năm 2019 nêu trên, chúng ta thấy thu chi ngân sách trên địa bàn có “thặng dư”.

Nguyên Lê