“Chiều nay đi tiếp khách cùng tui “bà” nhé. Khách từ nơi khác đến Huế, tui dự định mời cô ấy đi ăn những món đặc sản của Huế, rủ “bà” đi cùng cho thêm phần trang trọng, bởi tui dành cho vị khách này một tình cảm khá đặc biệt”. Ậm ừ kiếm cớ từ chối, vì với tôi những cuộc ăn uống “xã giao” không chỉ mất thời gian mà còn mệt vì phải “gồng mình” lên để cười nói khách khí. Cô bạn: “Phải có lý do tui mới rủ “bà”. Cô ấy là người cùng quê, cũng là đồng nghiệp với “bà”, đang làm việc trong một tờ báo ở tỉnh Quảng Bình. Là mẹ đơn thân nuôi đứa con còn nhỏ, gặp không ít khó khăn, nhưng cô ấy hiện đang cưu mang, nuôi nấng, yêu thương 3 đứa trẻ “coi như là mồ côi”. Chừng đó “thông tin” đã đủ lý do để “bà” cùng tui đến cuộc hẹn chiều nay?

Quá đủ! Đối với tôi, những con người có tấm lòng nhân hậu luôn có sức cuốn hút. Trước mặt tôi là người phụ nữ trẻ dáng nhỏ nhắn, nói năng nhẹ nhàng, ánh mắt ấm áp. Mới lần đầu gặp mặt nhưng câu chuyện rất tự nhiên, vì chúng tôi là đồng hương, lại có chung một số bạn bè quen. Về những đứa trẻ đang nuôi nấng mấy năm nay, em kể các cháu có đầy đủ bố mẹ, nhưng bố mẹ đều đang ở tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy.

Ở tờ báo, em được phân công viết về mảng này nên thường nhận thông tin từ cơ quan công an về những chi tiết “đời thường” (ngoài vụ án) của những gia đình mà cả vợ và chồng đều là tội phạm ma túy, bị pháp luật xử lý. Lúc biết những đứa trẻ này, sau khi cả cha và mẹ đều bị xử phạt tù và chấp hành bản án trong trại giam, hai bên nội ngoại không ai cưu mang, tội nghiệp quá nên em đưa về nuôi. Trong 3 đứa trẻ thì có 2 cháu là chị em ruột, 1 cháu có vấn đề về trí não, nên đôi khi có những hành vi “khó bảo”.

“Ở lớp, có những môn con thích học và đạt điểm khá cao, nhưng có môn con lại khăng khăng không chịu làm bài kiểm tra chỉ vì lý do không thích môn học đó. Em phải “đau đầu” trong thời gian khá lâu mới giải thích và thuyết phục được con. Việc lo cho các con ăn học, chăm sóc các con khi ốm đau bệnh tật tuy vất vả, nhưng không vất vả bằng việc dạy dỗ, uốn nắn để các con là những đứa trẻ phát triển tích cực toàn diện. Các con gọi em là mẹ, coi em là mẹ, hạnh phúc thật nhiều nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Hiện 1 cháu (trong hai chị em ruột) đã được ông bà nội đón về nuôi. 2 cháu còn lại nếu người thân vẫn “ngoảnh mặt”, thì em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng, đến lúc cha mẹ các cháu chấp hành xong bản án. Cũng may được nhiều anh chị, nhiều nhà hảo tâm động viên, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần nên em luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp ở phía trước đang dành cho cả mấy mẹ con em.”- Em tâm sự “xen” trong những nụ cười thật hiền và thật ấm.

Tấm lòng và nghĩa cử của em đã “viết” lên một câu chuyện xúc động, khiến tôi và biết bao nhiêu người khác vững tin vào những điều tốt đẹp.

Quỳnh Anh