Các căn hộ dân cư bên cạnh hồ Ratanpura khô cạn ở ngoại ô thành phố Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Cụ thể, Viện Kinh tế và Hòa bình có trụ sở tại Australia cho hay, gần 1 tỷ người sống trong các khu vực có nguy cơ cao từ sự nóng lên toàn cầu, và khoảng 40% trong số họ ở các quốc gia hiện đang phải vật lộn với xung đột. Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng xung đột do cạnh tranh về nguồn tài nguyên đang thu hẹp, đồng thời có thể đe dọa sinh kế và buộc dẫn đến tình trạng di cư hàng loạt.
"Trong tương lai, biến đổi khí hậu sẽ là một vấn đề đáng kể", ông Steve Killelea, Chủ tịch điều hành của Viện Kinh tế và Hòa bình nhận định.
Được biết, viện nghiên cứu này đã sử dụng dữ liệu từ các nhóm bao gồm các nhóm nghiên cứu, viện nghiên cứu, các Chính phủ và trường đại học để biên soạn chỉ số nói trên.
Tác động của biến đổi khí hậu có thể tạo ra "điểm tới hạn", làm trầm trọng thêm những căng thẳng cho đến khi đạt đến "điểm phá vỡ", nhất là ở các quốc gia đang gặp khó khăn, ông Steve Killelea nhấn mạnh.
Trong một động thái liên quan, các chuyên gia tại Viện Tài nguyên Thế giới, một tổ chức nghiên cứu toàn cầu đã bày tỏ sự tán thành với việc đánh giá biến đổi khí hậu là một yếu tố dẫn đến nguy cơ xung đột.
"Chúng tôi biết rằng, suy thoái môi trường và căng thẳng về nguồn nước có thể dẫn đến nạn đói, di dời, và kết hợp với sự bất ổn về kinh tế và chính trị, có thể dẫn đến tình trạng di cư và xung đột", Giám đốc điều hành của Viện Tài nguyên Thế giới, ông Manish Bapna lưu ý.
"Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu hiện là một phần của Chỉ số Hòa bình Toàn cầu, nhấn mạnh mối đe dọa nhiều mặt và chúng ta cần phải hành động nhanh như thế nào", ông Manish Bapna nói thêm.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ Reuters)