Tiêu độc tất cả phương tiện vận chuyển đi vào địa bàn huyện Nam Đông

Kiểm soát từng xe vào địa bàn

Trên Tỉnh lộ 14B, ngay điểm bước vào cửa ngõ huyện Nam Đông, 1 điểm chốt được thành lập. Cách bảng thông báo có điểm chốt chừng 2m, vôi được rải trắng trên tuyến. Cách vạch vôi chừng 250m, xe chúng tôi được lực lượng công an yêu cầu dừng lại. Biết xe từ Huế di chuyển lên Nam Đông, chúng tôi được yêu cầu mở cốp kiểm tra và phun hóa chất. Sau khi không phát hiện vận chuyển lợn, lực lượng công an ra hiệu cho xe đi tiếp.

Các ô tô, xe tải chở hàng, xe buýt đi qua chốt đều được yêu cầu dừng xe, kiểm tra các mặt hàng vận chuyển, tiêu độc khử trùng (TĐKT) trước khi lưu thông vào địa bàn. Tuyến đường có lưu lượng xe khá đông nên lực lượng chốt ở đây khá vất vả. Mỗi người một việc, công an tiến hành dừng xe, kiểm tra giấy tờ; cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện kiểm tra các mặt hàng vận chuyển; cán bộ thú y tiến hành TĐKT phương tiện.

Rẽ về phía đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, chúng tôi được lực lượng chốt kiểm dịch động vật tại đây “chăm sóc” kỹ. Tuy nhiên, tuyến đường này chưa thông xe nên lưu lượng ô tô, xe tải… qua lại khá ít. Khi được hỏi vì sao phải làm kỹ, lực lượng “cắm chốt” cho hay: “phòng dịch hơn chống dịch".

Ông Võ Thuận, cán bộ Trung tâm DVNN huyện Nam Đông, trực chốt ngày 11/6 tại Tỉnh lộ 14B cho biết, đây là tuyến đường chính nối TP. Huế và các địa phương khác, lượng xe lưu thông khá đông nên phải thực hiện kiểm soát chặt. Khi phát hiện có trường hợp vận chuyển lợn, thịt lợn không có giấy tờ kiểm dịch, chúng tôi đều TĐKT và yêu cầu xe quay đầu, không được di chuyển vào địa bàn, tránh nguy cơ lây bệnh.

Người dân chủ động phòng dịch

Các hộ chăn nuôi cũng tăng cường các giải pháp phòng dịch, nhất là các địa bàn có đường giáp ranh với các địa bàn Phú Lộc; A Lưới; Quảng Nam…

Trang trại (TT) của gia đình anh Nguyễn Văn Tân, xã Hương Hòa đang chăn nuôi trên 100 lợn nái và trên 400 lợn thịt, với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng. Ngoài nguồn hỗ trợ thuốc sát trùng của huyện, xã, anh Tân mua thêm 5 lít và công ty cám hỗ trợ thêm 3 lít thuốc sát trùng khác để phun sát trùng trong và xung quanh TT. Gia đình anh mua thêm 1 tấn vôi  để TĐKT hàng ngày, hạn chế dịch xâm nhiễm.

Theo anh Nguyễn Văn Tân, các hoạt động giao lưu, đi lại trong thời gian này của các thành viên trong gia đình đều hạn chế tối đa để tránh mang theo mầm bệnh. TT cũng hạn chế không cho người ngoài ra, vào.

Ông Nguyễn Hữu Ánh, Giám đốc Trung tâm DVNN Nam Đông khẳng định, con đường lây nhiễm bệnh dịch TLCP chủ yếu là vận chuyển và sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý. Vì thế, hai hoạt động được huyện chú trọng nhất là ngăn chặn tình trạng đưa lợn, thịt lợn từ các địa bàn khác đến và tuyên truyền người dân thực hiện "5 không" (Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Trước đây, việc vận chuyển lợn vào địa bàn vẫn được chấp nhận nếu rõ nguồn gốc, nhưng hiện để hạn chế dịch xâm nhiễm, địa phương nghiêm cấm hoàn toàn việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn. Hai chốt trên đường tỉnh lộ và cao tốc được triển khai trực 24/24, TĐKT, kiểm tra tất cả các phương tiện từ các địa bàn khác đến.

Theo ông Ánh, phòng dịch bao giờ cũng quan trọng hơn chống dịch, vì thế, các giải pháp dự phòng dịch được địa phương quan tâm hàng đầu.

Để tăng cường nhận thức cho người chăn nuôi, khi mới bắt đầu xuất hiện ổ dịch ở Phong Điền, địa phương đã tổ chức 5 lớp tập huấn về các giải pháp phòng, chống dịch; cách nhận biết và kỹ thuật phun, TĐKT bằng vôi, hóa chất. Đồng thời, tổ chức họp chủ tịch UBND các xã triển khai chống dịch, gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương với công tác chống dịch, vì thế huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tình hình dịch, các giải pháp phòng dịch được Trung tâm DVNN huyện cập nhật hàng ngày và thông tin qua hệ thống truyền thanh cơ sở để người dân dễ tiếp cận.

Hiện trên địa bàn huyện Nam Đông có tổng đàn lợn 8.200 con, trong đó 3 TT lớn có số lượng đàn trên 100 con; 55 gia trại có số lượng nuôi từ 10-25 con; còn lại là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Toàn huyện có 1 lò mổ tập trung với số lượng giết mổ 30 con/ngày được cán bộ thú ý theo dõi 24/24.

Bài, ảnh: Hoàng Loan