Du khách tham gia trò chơi trên biển do Laguna Lăng Cô tổ chức (Ảnh minh họa)

Khách sạn (KS) Hải Âu được xây dựng cách đây hơn 25 năm, cao 11 tầng với 170 phòng đạt tiêu chuẩn 4 sao, là một khách sạn lớn trong 3 KS nói trên. Chính người viết bài này đã nhiều lần lưu trú ở KS này mỗi lần có dịp đi công tác hoặc vì việc riêng ở TP biển Quy Nhơn. Một KS đẹp, sang trọng, mỗi sáng mở cửa phòng đã nghe rõ tiếng sóng vỗ bờ. Có thể nói đây là một không gian lý tưởng cho du khách. Có lẽ vì vậy mà KS Hải Âu nổi tiếng.

Trong trường hợp này, chúng ta thử “đo đếm” ở khía cạnh kinh tế và sự nhìn nhận đánh đổi kinh tế với cảnh quan, môi trường và quyền lợi của số đông (cộng đồng).

Sở dĩ người viết “lưu tâm” đến tuyên bố của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định là vì, đây là vấn đề mà nhiều thành phố biển gặp phải, trong đó có cả Thừa Thiên Huế chúng ta.

TP. Đà Nẵng khi phát triển các khu du lịch ven biển đã cấp quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư. Có những vùng các khu du lịch này nối liền nhau “bịt kín” đường ra biển của người dân. Trước sự phản ánh của người dân, chính quyền TP. Đà Nẵng buộc phải xem xét lại quy hoạch và mở các lối cho người dân xuống biển, được Nhân dân hoan nghênh.

Điều này cho thấy, không phải bao giờ phát triển kinh tế, cụ thể ở đây là lĩnh vực du lịch cũng đều hài hòa được lợi ích của cộng đồng. Những nhà quản lý không tính toán kỹ lưỡng điều này, nghĩa là cân bằng ở một mức độ nào đó giữa lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của người dân trong vùng thì dễ phát sinh những mâu thuẫn. Và đến một lúc nào đó, những mâu thuẫn này cũng sẽ buộc phải giải quyết. Có khi sẽ rất tốn kém.

Trở lại KS Hải Âu Quy Nhơn, với 170 phòng của một KS đạt tiêu chuẩn 4 sao, nếu quy ra tiền đầu tư xây dựng vào thời giá hiện tại, chắc chắn không phải là một con số nhỏ. Di dời một KS như vậy, một phần trong tổng thể vật chất công trình phải bỏ đi. Đã di dời là phải có chính sách hỗ trợ đền bù. Trong những giai đoạn khó khăn về kinh tế trước đây, có thể KS Hải Âu đã đóng một vai trò quan trọng giúp phát triển kinh tế của TP. Quy Nhơn. Nhưng giờ đây, có những thứ “vô hình” như: cảnh quan môi trường, cái đẹp, văn hóa, quyền lợi của số đông (cộng đồng) có khi còn quan trọng hơn là vật chất cụ thể. Vậy là lãnh đạo Bình Định quyết định “đánh đổi”.

Nó cũng giống như một chương trình lớn mà Thừa Thiên Huế của chúng ta đang quyết tâm thực hiện, đó là, “đại dự án” di dời một bộ phận người dân ra khỏi Kinh thành Huế. Dự án này tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng và được phân kỳ thực hiện trong một thời gian dài. Vì sao Thừa Thiên Huế phải làm như vậy? Vì mục tiêu bảo vệ di tích, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, nói rộng ra là bảo vệ những giá trị văn hóa. Thứ đến là góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

Ở đây có một vấn đề, không phải tất cả mọi người đều nghĩ và chọn hướng đi như thế nào là như nhau. Việc chọn cách nào, như thế này hoặc như thế kia, mục tiêu này hay mục tiêu kia… phụ thuộc rất lớn vào ý chí của người lãnh đạo. Lãnh đạo muốn nói ở đây có thể cá nhân hay tập thể.

Trong hai trường hợp nêu trên, một của Bình Định, một của Thừa Thiên Huế, chúng ta thấy, có vẻ như đã đến lúc những giá trị văn hóa tinh thần, quyền lợi của số đông được chú ý ở một tầm mức cao hơn. Nó như là một sự thôi thúc cho hành động. Điều này là rất đáng để lấy làm vui mừng. Việc định hướng phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, tinh thần… có lẽ ai cũng đã từng nghe và biết. Nó còn đi vào trong nhiều văn bản định hướng phát triển của nhiều địa phương, nhiều cấp. Nhưng không phải lúc nào và ở đâu, chúng ta cũng đều thấy sự coi trọng giá trị văn hóa tinh thần.

Bỏ ra một nguồn lực tài chính nào đó, dù là rất lớn để giữ gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của di tích Huế; cũng một nguồn lực tài chính không nhỏ khác, để làm đẹp cho vịnh biển Quy Nhơn, nhằm làm cho hướng nhìn của mắt thoáng hơn, rộng hơn… ngẫm ra, cũng đáng giá để mà “đánh đổi”.

Bài: LÊ NGUYỄN - Ảnh: QUANG SANG