Thành viên đội CHCN thu gom áo phao, phao tròn sau khi khách tắm xong
Cứu hộ cứu nạn cũng phải “thi tuyển”
Thuở nhỏ, hằng ngày theo cha xuôi theo con nước, ông Trần Kỳ ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) đã “bén duyên” với nghề biển từ lúc nào. Trong cuộc mưu sinh từ những lần bủa lưới, giăng câu, ông Kỳ trở thành một trong những tay ngư dân bơi lội có “thứ hạng” trong vùng. Sau này lập gia đình, con cái lớn lên, những lúc rảnh rỗi ông đều dắt con ra biển tập bơi vì niềm đam mê và sự an toàn khi tắm.
Từ khi bãi tắm Thuận An thu hút du khách đến tắm ngày càng đông, đi vào chuyên nghiệp, chính quyền địa phương thành lập đội CHCN, phục vụ công tác bảo vệ an toàn cho khách tắm biển, ông Kỳ “đệ đơn” tham gia thi tuyển. Tưởng chừng ít người “ứng cử”, nào ngờ có đến hàng chục người đăng ký và đều là những tay bơi lội giỏi.
Để đảm bảo sự công bằng, minh bạch, chọn được người thật sự bơi giỏi và tâm huyết, chính quyền địa phương phải tổ chức một cuộc “thi bơi tuyển chọn nhân tài”. Cuộc thi diễn ra công khai với sự chứng kiến của nhiều bà con địa phương và du khách. Ông Kỳ cùng 8 người khác dẫn đầu trong tốp hơn gần 30 người dự thi đã được chọn, ký hợp đồng trở thành nhân viên đội CHCN tại bãi tắm Thuận An.
“Sinh ra và lớn lên nơi vùng đất “đầu sóng ngọn gió”, từng chứng kiến một số vụ đuối nước thương tâm nên từ nhỏ đã nhen nhóm niềm đam mê, khát vọng một ngày nào đó sẽ được tham gia, góp sức mình vào việc CHCN góp phần bảo vệ an toàn tính mạng cho mọi người. Sau này khi nghe thông báo tuyển dụng đội CHCN chính là cơ hội để tôi thực hiện ước mơ của mình”, ông Kỳ trải lòng.
Trong “sự nghiệp” bảo vệ an toàn cho khách tắm biển, ông Kỳ cũng đã từng nếm trải bao niềm vui lẫn cay đắng, xót xa. Cứ mỗi ngày qua đi, không có bất kỳ sự cố nào xảy ra, với ông chẳng có gì hạnh phúc bằng. Ngày ngày được gặp gỡ, trò chuyện với những du khách thập phương ông nghiệm ra một điều là vật chất, giàu sang hay thấp hèn đều không quý trọng bằng tình người. Giúp những đứa trẻ tắm biển, tập bơi, nhiệt tình, tâm huyết bảo vệ sự an toàn cho các cháu, du khách với ông là một điều hạnh phúc…
Cuộc đời không như là mơ, có những lúc khách tắm quá đông, quán xuyến không xuể, du khách lại không chấp hành quy định đã để xảy ra những sự cố đáng tiếc. Một số lần du khách tắm vượt quá ranh giới cho phép đã bị hỏng chân, nước cuốn trôi ra xa, ông Kỳ cùng đội CHCN khẩn trương tổ chức ứng cứu, đưa vào bờ làm các động tác hô hấp, cứu người.
“Định kiến của nhiều người khi cứu đuối nước là “mạng đổi mạng” nên mỗi khi cứu người sống sót tôi cũng lo lắng, nan giải. Ra đường gặp bất cứ ai cũng bảo làm như thế có thể mất mạng như chơi. Nhiều lúc lo sợ muốn bỏ nghề, nhưng vì niềm đam mê và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội nên tôi theo nghề đến bây giờ. Mỗi ngày qua đi là một ngày vui vì không chỉ sự an toàn của du khách mà chính cả bản thân mình”, ông Kỳ tâm sự.
Nghề CHCN buồn nhất với ông Kỳ là khi xảy ra sự cố đáng tiếc, có người chết đuối. Dù không phải trách nhiệm của mình nhưng ông luôn cảm thấy có lỗi, chưa làm tròn nhiệm vụ. Khi đó chính ông là người đầu tiên đến tận gia đình người bị nạn để chia sẻ, động viên và xin lỗi. Mỗi lần nhớ đến những vụ đuối nước, những số phận kém may mắn, ông đều tự nhủ phải cố gắng, trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ an toàn tính mạng cho du khách.
Hướng dẫn, mặc ao phao cho các cháu nhỏ trước khi tắm
Vì sự an toàn
“Chúng tôi đã không chọn nhầm người” là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, Trưởng Ban Quản lý (BQL) bãi tắm Thuận An, ông Nguyễn Văn Giàu khi đánh giá về công việc của các thành viên đội CHCN tại bãi tắm Thuận An. Đội CHCN có 9 người, tuy đồng lương ít ỏi chỉ 3-4 triệu đồng/tháng nhưng ai cũng đam mê công việc. Họ không chỉ là những người bơi giỏi mà con tâm huyết và có trách nhiệm với công việc.
Vào mùa hè, cao điểm cả 9 người phải thay phiên túc trực, tuần tra trên bãi tắm cho đến khi vãng khách. Vào đêm tối hay sáng sớm, họ còn ra bãi biển để canh chừng có ai đến tắm hay không. Những lần xảy ra tai nạn, sự cố đuối nước đều do các yếu tố khách quan, người tắm biển bất cẩn, chủ quan và không tuân thủ các quy định.
Đội CHCN càng vất vả khi khách đến tắm đông đúc
Với trách nhiệm trưởng BQL bãi tắm, ông Giàu luôn có những đề xuất kịp thời lên các cấp, ban ngành quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ công tác tuần tra, CHCN trên biển. Tại bãi tắm được trang bị một chiếc ca nô, tuy nhiên chỉ sử dụng khi cần thiết; khi xảy ra đuối nước thì các thành viên thường nhanh chóng bơi lặn để cứu người bị nạn. Đội CHCN được trang bị mỗi người ít nhất hai áo phao, hai phao tròn phục vụ CHCN và một loa cầm tay tuyên truyền, nhắc nhở du khách. Tại BQL còn được trang bị nhiều áo phao, phao tròn để cung cấp cho người dân cùng tham gia CHCN khi cần thiết.
Các thành viên trong đội CHCN còn được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xử lý các tình huống CHCN và hô hấp, sơ cấp cứu… được tổ chức hằng năm, vào đầu mùa du lịch biển. Một số vụ tai nạn trước đây đã được cứu sống nhờ đội CHCN xử lý thành thạo các kỹ năng ứng cứu tại chỗ, kịp thời đưa người bị nạn đến các cơ sở y tế gần nhất điều trị.
Chủ tịch UBND xã Phú Diên (Phú Vang), ông Hoàng Trọng Đoài đánh giá cao sự tâm huyết của những người làm công tác CHCN tại bãi tắm Phú Diên. Hầu hết họ đến với “nghề” chỉ vì niềm đam mê, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, sự an toàn cho du khách. Ngoài làm công tác tuần tra, CHCN, một số thành viên đội CHCN còn làm thêm dịch vụ tắm, cho thuê áo phao, phao tròn để kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Lâu nay tại bãi tắm Phú Diên chưa để xảy ra tình trạng đuối nước thương tâm, một phần nhờ sự quản lý, hỗ trợ tích cực của đội CHCN.
Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch nhận định, với các bãi tắm lớn, chuyên nghiệp như Thuận An, Phú Thuận, Lăng Cô… khá yên tâm nhờ đầu tư bài bản, trang thiết bị CHCN được đầu tư đầy đủ, đội ngũ BQL, đội CHCN được tập huấn và tích lũy nhiều kinh nghiệm. Đáng lo ngại là tại các bãi tắm tự phát, quy mô nhỏ như Hải Dương (TX. Hương Trà), Vinh Thanh (Phú Vang), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), vùng Ngũ Điền (Phong Điền)… Các bãi tắm này hầu như chưa có BQL, đội CHCN, các trang thiết bị CHCN chưa được đầu tư. Một số bãi tắm tự phát chưa có dây phao phân định ranh giới được phép tắm, biển cảnh báo... |
Bài, ảnh: Hoàng Triều