Chính phủ và người dân toàn cầu cần đồng lòng giúp đỡ người mắc bệnh bạch tạng hòa nhập và phát triển cuộc sống. Ảnh: UN Nation

Tổ chức Liên Hiệp quốc cho hay, những người mắc bệnh bạch tạng trên toàn cầu phải đối mặt với rất nhiều hình thức phân biệt đối xử. Đến thời điểm hiện tại, bạch tạng vẫn bị hiểu lầm sâu sắc về cả khía cạnh xã hội và y tế. Vẻ bề ngoài của người bạch tạng luôn gây chú ý và họ luôn là đối tượng công kích của những cá nhân có kiến thức và niềm tin sai lệch do mê tín dị đoan, khiến người bạch tạng bị bài trừ ra khỏi xã hội, thậm chí bị đe dọa về an ninh và tính mạng. Cụ thể, kể từ năm 2010 đã có khoảng 700 trường hợp báo cáo về các vụ tấn công và giết hại người mắc bệnh bạch tạng tại 28 quốc gia trong khu vực châu Phi cận Sahara. Đáng lo ngại là các tội ác này vẫn diễn ra hằng ngày.

Vào ngày 18/12/2014, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua nghị quyết A/RES/69/170 tuyên bố bắt đầu từ năm 2015, ngày 13/6 hằng năm sẽ là Ngày Quốc tế nhận thức về bệnh bạch tạng, trong đó kêu gọi ngăn chặn các cuộc tấn công và phân biệt đối xử với người mắc bệnh bạch tạng, coi những người mắc bệnh bạch tạng là nhóm công dân cần ưu tiên quan tâm đặc biệt.

Vào năm 2019, Ngày Quốc tế nhận thức về bệnh bạch tạng có chủ đề “Still Standing Strong” (tạm dịch: Vẫn đứng vững). Đây là lời kêu gọi công nhận, kỷ niệm và đoàn kết với người mắc bạch tạng trên khắp thế giới để cùng nhau hỗ trợ cho sự nghiệp của họ ngay từ những hành động và nỗ lực bé nhỏ để tăng cường củng cố quyền và lợi ích của nhóm người này.

Với chủ đề này, Tổ chức Quốc gia về bạch tạng và giảm sắc tố Mỹ (NOAH) nhất trí với lãnh đạo các tổ chức quốc tế nhấn mạnh rằng, bất chấp tất cả những thách thức trong quá khứ và hiện tại mà những người mắc bệnh bạch tạng phải chịu đựng, đến cuối cùng, “chúng tôi” – tức nhóm người bạch tạng trên toàn cầu vẫn đứng vững.

Được biết, bệnh bạch tạng chỉ các chứng bẩm sinh do rối loạn sắc tố Melanin, khiến con người sinh ra không có sắc tố thông thường trong cơ thể. Do đó, với lượng Melanin thiếu hụt, màu da, tóc và mắt của người mắc bệnh bạch tạng thường rất nhạt. Trên toàn thế giới, cứ 20.000 người sẽ có 1 người sinh ra mắc chứng bạch tạng.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ UN Nation, Albinism.org, News Nation & European Union External Action)