Nguyễn Thắng (25 tuổi), làm nghề sửa xe tại ngã tư Nguyễn Huệ - Điện Biên Phủ, TP Huế, bị bệnh động kinh phải điều trị bằng thuốc. 9 giờ tối ngày 21/10/2013, Thắng vào quán cà phê Hoàng Phố (số 4 đường Nguyễn Huệ) xin nước uống thuốc. Nhiều lần phát hiện Thắng xịt lốp xe của khách uống cà phê để “kiếm cơm”, nên anh Hoàng Như Thạch (nhân viên quán cà phê) chặn Thắng lại, không cho vào. Thắng đánh vào mặt Thạch. Hai bên xảy ra xô xát thì được hai người bạn của Thạch và những người trong quán can ngăn. Thạch cùng hai người bạn ra về. Không may mới ra khỏi quán một đoạn thì trời mưa, phải dừng lại trú chân. Thắng liền đuổi tới, đâm nhiều nhát khiến Thạch tử vong. Chưa hả cơn điên, Thắng đập phá xe của hai người bạn Thạch. Ngày 1/7/2014, TAND tỉnh xét xử Nguyễn Thắng về tội “giết người, cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Nước mắt
Còn rất sớm, cha bị hại ôm di ảnh con trai phủ kín dưới chiếc khăn, lảo đảo bước qua cổng tòa án. Bảo vệ hỏi “Bác đi đâu vậy”? Mặt người cha như ngây như dại: “Tui đi đòi công lý cho con trai tui”. Như chợt hiểu ra chuyện, bảo vệ dẫn người đàn ông đến tận phòng xét xử. Những dãy ghế nối nhau chưa một bóng người. Im ắng. Người cha ngồi tựa lưng vào tường, vẫn ôm chặt di ảnh con trong lòng. Hai em gái bị hại dìu mẹ đến cạnh cha. Lúc này, người cha mới khẽ khàng đặt di ảnh con lên bàn, thận trọng vén tấm khăn. Nhìn con tươi cười trong di ảnh, người mẹ ôm mặt khóc.
Phòng xét xử càng lúc càng đông người, phần lớn là người thân, bạn bè, hàng xóm với gia đình bị hại. Những ánh mắt cám cảnh. Những cái lắc đầu cám cảnh. Một người thở dài chép miệng: “Ông ấy (chỉ cha bị hại) bỏ đi mười mấy năm nay. Bà ấy một mình nuôi các con ăn học. Vất vả, khổ sở lắm. Đứa con trai lớn đã có vợ, vào TP Hồ Chí Minh làm ăn. Thằng Thạch là con trai thứ hai, nhưng lại như anh cả, trụ cột của gia đình. Thương mẹ mỗi ngày sức càng yếu, Thạch đang học lớp bảy, phải bỏ học, phụ mẹ kiếm sống, nuôi em ăn học”. Hắn nói, con trai có thể thất học làm việc nặng, chứ con gái phải được học hành tử tế. Bởi vậy, ban ngày Thạch đi làm ở một công ty tư nhân, tối đến làm bảo vệ tại quán cà phê Hoàng Phố, kiếm thêm thu nhập. Thạch là đứa con hiếu thảo, người anh có trách nhiệm, tính tình hiền lành. Vậy mà bỗng chốc lại chết oan uổng. Khi Thạch mất được mấy tháng, người cha hay tin mới về. Sống không gặp mặt. Chết không thấy mặt. Bây giờ chỉ còn biết ôm di ảnh con như thế…”. Cha bị hại cúi mặt phía sau di ảnh con. Những dòng nước mắt khiến mặt ông loang lổ.
Tuyệt vọng
Mẹ Thạch vừa khóc vừa kể: “Bốn mẹ con nương tựa vô nhau mà sống. Thằng Thạch là trụ cột. Con tui lao động cần mẫn, dù tiền kiếm được không nhiều nhưng cũng đắp đổi qua ngày. Hắn mất, tui vừa mất con, gia đình vừa rơi vào cùng quẫn. Nhà không có tiền mua hòm cho hắn. Chủ hàng hòm thương tình cho mua nợ. Con tui nằm dưới ba tấc đất đã gần 300 ngày, nhưng tiền hòm vẫn chưa trả được”. Có người thắc mắc, sao cha mẹ bị cáo không bồi thường, chia sẻ gì? Anh của bị cáo dáng vẻ gầy gò, lí nhí phân trần, cha mẹ đều đã mất cả. Hiện anh đã có vợ con, vừa nuôi gia đình vừa nuôi mấy đứa em còn nhỏ, mưu sinh vất vả bằng nghề bán nước mía vỉa hè. Bị cáo ở nhờ nhà người chú, chật vật tự lo cuộc sống bằng nghề sửa xe vỉa hè. Người thanh niên này cúi mặt thiểu não như thể mình là người có lỗi.
Chiếc xe bít bùng chở bị cáo đến phiên tòa, đỗ xịch ngay gần cửa phòng xét xử. Lúc ngang qua gia đình bị hại, bị cáo bất giác nhìn vào tấm di ảnh nạn nhân, bước chân líu ríu muốn đi thật nhanh như bị ai đuổi. Nhìn thấy kẻ giết con mình, cha bị hại nhổm lên khỏi ghế, nhoài người ra như muốn đánh, nhưng rồi lại ngồi phịch xuống, mặt tái nhợt. Mẹ bị hại khóc thảm thiết. Khi vị đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng, mô tả hành vi bị cáo cầm dao đâm liên tiếp vào người bị hại và khi bị cáo khai nhận hành vi phạm tội, bà đau đớn giật nảy mình, như thể có mũi dao đâm vào cơ thể. Bà gào khóc khản đặc khiến nhiều người dự phiên tòa không nén được nước mắt.
Trước vành móng ngựa, bị cáo xin tòa xem xét giảm nhẹ mức hình phạt. Cha bị hại trừng mắt nhìn bị cáo, yêu cầu tòa xét xử thật nặng để “đem lại chút công bằng cho con trai tui”. Mẹ bị hại đòi trả con. Ôm tấm di ảnh của con trai, vừa khóc, bà vừa đau đớn đập tay lên ngực, miệng lẩm bẩm tuyệt vọng: “Con ơi, về đây với mẹ”, “làm răng cho con tui sống lại đây”… Không khí phòng xét xử như chùng xuống, ai nấy nghẹn ngào. Cả anh trai bị cáo cũng rớm nước mắt.
Tòa hỏi: “Gia đình bị hại yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng, bị cáo có ý kiến gì không”? Bị cáo: “Dạ không. Bị cáo đồng ý bồi thường”. Nhiều tiếng xì xào: “Hắn bị bệnh vậy, không nhà không cửa, sống bằng nghề sửa xe. Lúc ở ngoài tự lo cho mình được là đã khó, lấy tiền mô mà bồi thường?”. Tòa hỏi anh trai bị cáo: “Anh có thể bồi thường thay bị cáo số tiền này không?”. Anh trai bị cáo run run: “Dạ thưa, từ khi cha mẹ chết, 6 anh em tôi phải tự lo bươn chải, cuộc sống rất khó khăn. Hoàn cảnh như vậy nên tôi không dám hứa trước với gia đình bị hại về tiền bạc, nhưng tôi và gia đình sẽ cố gắng tích góp bồi thường một phần nào đó cho gia đình bị hại. Mong gia đình người bị hại và quý tòa thông cảm”. Tòa tuyên án, phạt bị cáo 14 năm 9 tháng tù. Bị cáo bị công an dẫn giải ra xe. Người anh đưa tay chới với, như muốn níu em, nhưng không ngăn được cánh cửa xe tù đóng sập lại. “Tui không cần tiền. Không cần tiền. Tui cần con. Trả con cho tui”. Mẹ bị hại ôm di ảnh con khóc ngất, tuyệt vọng.
Quỳnh Anh