Số ca mắc SXH tăng so hơn mọi năm

Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Phú Vang có 58 trường hợp mắc SXH, trong đó 16 ca bệnh ngoại lai, cao nhất tỉnh. Những trường hợp mắc nằm rải rác ở vùng ven đầm phá, như xã Phú Diên, Phú Mậu, Phú Hải... Bác sĩ Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) Phú Vang cho biết, dù SXH xuất hiện rải rác nhưng ngành y tế địa phương xác định được các yếu tố nguy cơ cao của các vùng thấp trũng, khu dân vạn đò để vận động tuyên truyền giúp người dân nâng cao kiến thức trong phòng ngừa dịch SXH. Hiện nay, khi phát hiện những địa bàn có trường hợp mắc SXH, cán bộ y tế dự phòng huyện sẽ phối hợp cán bộ địa phương khoanh vùng, phun hóa chất nhằm tránh lây lan.

Kiểm tra chỉ số lăng quăng, nguy cơ phát sinh SXH tại vùng thấp trũng tại huyện Phú Vang 

Tại huyện Phú Lộc qua hơn 5 tháng đầu năm đã có 54 trường hợp mắc SXH, trong đó có 24 trường hợp ngoại lai. Tuy số người mắc ở địa phương này giảm so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ cao ở một số xã trước đây đã có dịch SXH xuất hiện. Đơn cử như xã Vinh Hưng năm 2017, 2018 có nhiều trường hợp mắc SXH, nhưng năm nay vẫn có 6 trường hợp mắc. Tại xã Lộc Bổn, những tháng đầu năm 2019 đã có 5 trường hợp mắc SXH ngoại lai mang bệnh từ Lào và các tỉnh phía nam. Đây là vấn đề đang được chính quyền sở tại và cán bộ dự phòng huyện quan tâm, tăng cường tổ chức tuyên truyền đến các khu dân cư để thông tin đầy đủ về bệnh SXH cũng như cách thức phòng, ngừa.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay đã có 81 xã, phường của 9 huyện, thành phố có 235 trường hợp mắc SXH, tăng gần 30 ca so với cùng kỳ năm 2018 và tăng cao so với mọi năm về trước. TP Huế là địa bàn làm tốt công tác phòng dịch, điển hình như phường An Đông, An Tây, Hương Long, An Hòa, Hương Sơ... thường xuyên ra quân vệ sinh môi trường, thau vét lăng quăng, bọ gậy nhưng vẫn có 55 trường hợp mắc SXH.

Phun hóa chất phòng SXH ở vùng có nguy cơ cao

Chủ động phòng bệnh

Bác sĩ CK I Lê Văn Sanh, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh cho biết, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Với thời tiết nắng nóng, đặc biệt năm trước hầu như ở Thừa Thiên Huế không có mùa đông là nguy cơ gia tăng SXH hiện nay cũng như thời gian đến.

Hiện, lưu hành 4 tuýp vi rút SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người mắc bệnh trước đó, năm sau vẫn có thể mắc lại. Người bệnh cũng trở thành nguồn lây truyền bệnh nếu sơ ý để muỗi đốt người bệnh SXH rồi lại đốt người khỏe mạnh. Do đó, khuyến cáo của ngành y tế là người dân không nên chủ quan với căn bệnh này.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Phan Đăng Tâm, Phó Giám đốc CDC tỉnh, hiện nay SXH vẫn chưa thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Vấn đề cốt lõi để phòng ngừa SXH hiệu quả là đẩy mạnh truyền thông để mọi người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường ở cộng đồng dân cư, nhất tại hộ gia đình bằng những việc làm đơn giản đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi người dân nhận biết nguy cơ SXH xuất hiện cần phối hợp cán bộ y tế để tổng vệ sinh, thau vét bọ gậy và tổ chức các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.

Tuần hành truyền thông phòng ngừa SXH tại Phong Điền

*Trong sáng 14/6, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH do Sở Y tế phối hợp với UBND huyện Phong Điền tổ chức, ngành y tế đề nghị mọi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXH  tại gia đình theo mục tiêu “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có SXH”. Loại bỏ các vật liệu phế thải, chai lọ, vỏ xe, vỏ dừa... Ngủ phải có màn phòng ngừa muỗi đốt. Cộng đồng dân cư cần phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị SXH đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị, không tự ý điều trị tại nhà...

Bài, ảnh: Minh Văn