Người dân Phong Hải cho tôm ăn

“Đánh liều”

Nuôi tôm trên cát vụ hè được ví như “canh bạc”, ấy vậy mà nhiều hộ vẫn không ngần ngại thả nuôi như không hề có chuyện gì. Ngay từ khi bắt đầu xuống giống, người dân đã phải lo triển khai các biện pháp chống nắng cho tôm. Nhưng có lẽ không thể “chống nổi ông trời” khi tình trạng nắng nóng kéo dài, kết hợp mưa dông, lốc khiến tôm nuôi chậm sinh trưởng, bắt đầu xuất hiện một số bệnh, chết lai rai và có nguy cơ chết hàng loạt.

Ông Võ Kh. ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) cho rằng nuôi tôm vụ hè khó có thể thành công, tỷ lệ thất bại đến 90% nhưng vẫn cố thả nuôi. Điều khiến ông Kh. “đánh liều” chỉ đơn giản là thấy một số hộ nuôi, ông cũng sốt ruột nên nuôi theo. Từ đầu mùa hè ở vùng cát Ngũ Điền chỉ 5-7 hộ nuôi, đến nay đã có hơn 30 hộ nuôi, nhiều nhất là xã Phong Hải (Phong Điền).

Chủ hồ tôm ở Phong Hải, ông Võ K. khi mới thả nuôi thì hồ hởi, mạnh dạn, giờ đây đứng ngồi không yên khi tôm xuất hiện một số loại bệnh, chậm lớn, chết lai rai. “Tôm nuôi đến nay hơn một tháng tuổi, kích cỡ mới chỉ bằng “đầu đũa”, trong khi đó so với nuôi chính vụ thời kỳ này có thể lớn bằng ngón tay; hầu như ngày nào cũng vớt vài kg tôm chết. Mặc dù triển khai nhiều biện pháp như sục khí, phòng trừ dịch bệnh, thay nước… nhưng tôm vẫn chết, có nguy cơ chết hàng loạt, mất trắng rất cao”, ông K.  lo lắng.

Ông K. thừa nhận, nuôi tôm vụ này chẳng qua “liều mạng”, trông chờ “hên xui”, chứ ai cũng biết nguy cơ thua lỗ rất cao. Chính sự lo lắng thua lỗ nặng nên hầu hết các hộ thả giống với mật độ chỉ bằng hơn một nửa so với vụ chính. Đây cũng là yếu tố hạn chế chi phí đầu tư giống, thức ăn nên nếu gặp sự cố thì hạn chế mức độ thiệt hại.

Theo ông K. với ao hồ 3.000m3, mỗi vụ thường thả 50 vạn tôm giống có giá khoảng 50 triệu đồng. Chi phí thức ăn trong hơn ba tháng nuôi khoảng 200 triệu đồng, cộng với các khoản tiền điện, thuốc men, thuê nhân công khoảng 50 triệu đồng... Tổng cộng các chi phí chừng 300 triệu đồng. Nhiều vụ hè trước đây đã từng thua lỗ 300-400 triệu đồng vì nắng nóng, dịch bệnh.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu băn khoăn: Thật sự khó hiểu khi người dân lại “đánh liều” nuôi tôm vụ hè, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phức tạp như hiện nay. Vụ nuôi này mật độ thả thấp, sản lượng thấp nên thường lãi chỉ 50-100 triệu đồng, trong khi đó xác suất rủi ro rất cao, nếu thua lỗ có thể thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo, vận động người dân không nên nuôi vụ này nhưng người dân thả liều thì không thể can thiệp được.

Cố gắng chăm sóc tốt, thúc đẩy tôm sinh trưởng

Lo ép giá

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Cho thông tin, đến thời điểm này, toàn vùng nuôi tôm trên cát huyện Phong Điền khoảng 400 ha trong tổng diện tích quy hoạch 900 ha. Mặc dù không khuyến khích nhưng vụ hè này có khoảng 30-40 ha của các hộ dân đang thả nuôi. Huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Riêng về tiêu thụ sản phẩm, huyện đang ngiên cứu, kết nối với các doanh nghiệp thu mua thủy sản cho dân với giá ổn định, thúc đẩy nghề nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, theo hướng công nghiệp…

 

Không chỉ lo nắng nóng, dịch bệnh, nuôi tôm vụ này người dân còn lo tình trạng lái buôn ép giá. “Giá cả vụ hè thường bấp bênh, không ổn định. Từ trước đến nay chưa bao giờ có được vụ tôm mùa hè “hoàn hảo”, thậm chí sản lượng đạt thấp đã đành lại còn bị ép giá nên thua lỗ triền miên”, ông Nguyễn Hải Đ. ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải lo lắng.

“Lái buôn thường cho rằng tôm nuôi vụ hè tiêu thụ không mạnh vì ít diễn ra các lễ hội, tiệc tùng như ngày lễ, tết... tuy nhiên đó chỉ là “cái cớ” để lái buôn ép giá. Trong khi đó những tiệc cưới, liên hoan diễn ra bất cứ lúc nào, nhất là mùa hè thường là mùa lễ hội, du lịch thì thị trường tiêu thụ hải sản, trong đó có tôm là rất lớn”, ông Đ, cũng như các hộ nuôi tôm lập luận.

Điều mà người dân nuôi tôm ở Ngũ Điền trăn trở, lâu nay cả một vùng nuôi tôm trên cát rộng lớn đến cả trăm ha (riêng các hộ dân) nhưng chỉ có duy nhất một lái buôn thu mua sản phẩm là đại lý thủy sản Bé Thọ ở xã Phong Hải. Chính vì “độc quyền” nên mỗi khi đại lý này “ra giá” bao nhiêu người dân cũng phải bán, vì không biết bán cho ai. Các hộ nuôi thường tra cứu, tìm hiểu giá tôm ở các tỉnh khác thường cao hơn từ 10-20 ngàn đồng/kg so với ở địa phương.

Ông Nguyễn Hải Đ. cho rằng, lâu nay hầu hết các vụ tôm được mùa đều bị mất giá một phần là do sự “độc quyền” của đại lý thu mua sản phẩm. Các hộ nuôi tôm ở Ngũ Điền có chung nguyện vọng, các cấp, ban ngành hỗ trợ người dân trong việc tìm hiểu giá cả thị trường, kết nối thêm với nhiều doanh nghiệp thu mua sản phẩm để có sự cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo công bằng cho người sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu trăn trở: Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” là điều mà chính quyền địa phương luôn nghĩ tới. Sắp đến, địa phương sẽ tìm hiểu, nắm bắt mặt bằng giá cả chung thị trường trong nước và thế giới để làm việc với các đại lý thu mua tôm của người dân với giá hợp lý. Chính quyền địa phương sẽ kết nối thêm với một số đại lý, doanh nghiệp thu tôm nhằm có sự cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo công bằng giữa lợi ích doanh nghiệp và người nông dân.

Bài, ảnh: Hoàng Triều