Đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ. Cùng với đó còn có đại diện các bộ, ngành, hàng trăm chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp (DN).

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, sự kiện hôm nay khởi đầu cho chương trình thúc đẩy phát triển, và được xem là cú hích trong chiến lược phát triển để Huế trở thành thành phố sáng tạo và công nghệ trong thời gian tới. Đây cũng là động lực để Huế tập trung vào tri thức và văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển.

Với mục tiêu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và công ty khởi nghiệp cũng như các cơ quan quản lý có cơ hội trao đổi, nghiên cứu, xây dựng chính sách về phát triển công nghệ cho Thừa Thiên Huế nói chung, các chính sách phát triển về công nghiệp công nghệ thông tin và du lịch nói riêng.

“Huế đang chuyển mình và thật sự đổi mới từ nhận thức đến hành động. Tôi mong muốn Huế phát triển nhanh trên nền tảng hệ tri thức, Huế phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa”, ông Thọ nhấn mạnh.

Ngay sau lễ khai mạc, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về chuyên đề “Chính sách phát triển thành phố sáng tạo và công nghệ” và “Xu hướng công nghệ”.

Tư duy và hành động

Tại Diễn đàn “Chính sách phát triển thành phố sáng tạo và công nghệ” những thế mạnh, hạn chế, bất cập, giải pháp cụ thể để xây dựng Huế được các chuyên gia, diễn giả chia sẻ thẳng thắn.

Ông Lâm Vinh Giang, Giám đốc điều hành của RDA Việt Nam chia sẻ: TP. Boston (Mỹ) là thành phố nhỏ nhưng với tư duy lớn, họ xây dựng Boston thành TP hàng đầu thế giới về giáo dục – công nghệ. Huế có thể lấy Boston làm mẫu, tập trung vào thế mạnh để sản xuất sản phẩm xuất ra thế giới. Hiện tại, Huế ủng hộ các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) tốt, tuy nhiên, tư duy của DNKN Huế không bằng các DN Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ bằng các chương trình đào tạo tư duy khởi nghiệp cho họ.

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Trí Dũng đặt ra vấn đề về tư duy lãnh đạo. “Chúng ta khen đồ ăn của Huế hay, cảnh Huế đẹp nhưng tại sao khách du lịch không đến nhiều với Huế. Phải làm sao để khách du lịch thế giới nghe đến Huế là muốn đi. Lâu nay, Huế nói nhiều về chiến lược phát triển nhưng nếu người Huế thờ ơ với quê hương; giới trẻ, DN không đồng hành thì sẽ không làm được. Vì vậy, cái chúng ta cần nhất là quyết tâm của lãnh đạo, của DN”, ông Dũng thẳng thắn.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cùng các đại biểu tham dự diễn đàn

Theo Giáo sư Vọng, người đang giảng dạy tại ĐH ở Úc, khi về làm việc với ĐH Nông Lâm Huế, ông rất ngạc nhiên khi biết ĐH Nông lâm Huế có nghiên cứu về dung dịch hữu cơ, “nhưng họ rất e dè, rón rén khi chia sẻ về nghiên cứu của mình”. Nếu ĐH Nông Lâm Huế làm được dung dịch hữu cơ sử dụng cho thủy canh thì không riêng Việt Nam mà cả thế giới đều hoan nghênh, vì đây là yêu cầu bức thiết của nông nghiệp.

“Nông nghiệp của Huế vẫn là một ngành rất quan trọng. Mặc dù chúng ta không kỳ vọng Huế sẽ là trung tâm sản xuất ra điện mặt trời hay cung cấp hàng tấn cà chua cho thế giới, nhưng Huế có thể có công nghệ, trước mắt, Huế làm sao để sản xuất được dung dịch hữu cơ, khi đó Mỹ, Úc, châu Âu cũng sẽ đặt hàng cho Huế. Theo GS Vọng, nên chăng Huế nên đầu tư vào cái có sẵn. Ở đây, ngoài mô hình nhà vườn cần được đầu tư, Huế còn có thể trồng cây gấc để làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng - thị trường lớn nhất trong nông nghiệp thế giới hiện nay. “Hiện Việt Nam là nơi lý tưởng nhất để trồng và Huế có thể làm được điều này”.

Đại diện nhà hát Bến Xuân mong muốn Huế phát triển du lịch gắn với dòng sông, bảo vệ, giữ gìn nó, vì vậy, những dự án làm đẹp dòng Hương, dự án Huế 4 mùa hoa cần có sự hỗ trợ cụ thể hơn từ phía tỉnh.   

Hướng đến phát triển bền vững

Tại buổi gặp gỡ, nhiều diễn giả, chuyên gia, đại diện Đại học Huế, Trường CĐ Công nghiệp đóng góp ý kiến, hiến kế với mong muốn phát triển Huế - thành phố sáng tạo và công nghệ.  

Anh Trần Gia Thông, chuyên gia huấn luyện ngoại ngữ đề xuất sẵn sàng đưa cộng đồng tiếng Anh của mình giúp Huế phát triển phong trào học tiếng Anh đến nhiều đối tượng, tầng lớp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Dũng đề nghị, Huế nên xây dựng ngay Quỹ phát triển Huế do chính người Huế, DN đóng góp. “Huế có gần 6.000 DN, nếu trung bình mỗi DN đóng góp 1.000 USD thì chúng ta có ngay 6 triệu USD. Có nguồn lực thì tỉnh phải có hành động cụ thể để giữ chân nhân tài và đưa người tài về với Huế”.  

Các diễn giả trình bày tại diễn đàn

Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, Huế có 4 thế mạnh là tri thức, truyền thống văn hóa di sản, thiên nhiên cảnh quan và di sản văn hóa. Trên cơ sở thế mạnh này, Huế sẽ có những chính sách cụ thể trong giáo dục đào tạo, trong phát triển đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế. Những hiến kế, góp ý tỉnh sẽ ghi nhận, những vấn đề còn bỏ ngỏ, hạn chế, tỉnh sẽ tiếp tục làm. Sắp tới tỉnh sẽ triển khai hội nghị về đổi mới giáo dục Huế, về phát triển nông nghiệp, công nghệ thông tin.

“Giấc mơ Huế không quá xa xôi. Nó sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta thay đổi tư duy, hành động từ mỗi cá nhân, từ lãnh đạo đến người dân, DN và nhất là sự đồng hành, hỗ trợ, những kinh nghiệm quý của các chuyên gia. Hy vọng giấc mơ Huế sẽ thành hiện thực trong thời gian tới, với tinh thần Huế luôn luôn mới”, ông Thọ nói.

MINH THÀNH