Tàu cá tại thị trấn Thuận An trở về sau chuyến biển
Thất thu
Đây là thời điểm chính vụ cá Nam, tại cảng cá Thuận An (huyện Phú Vang), cảnh tàu bè hàng ngày vẫn lũ lượt vào ra cập cảng, thế nhưng, trên gương mặt nhiều ngư dân hiện lên nỗi lo toan. Không khí mua bán hải sản ở cảng cá như nhịp sống thường nhật nhưng không còn quá tấp nập như trước.
Tàu cá của ngư dân Trần Văn Dũng (thị trấn Thuận An) vừa cập bờ, nhiều thương lái đứng chờ thu mua hải sản nhưng nhận được cái lắc đầu nguầy nguậy từ ngư dân có thâm niên hơn 30 mùa sóng nước này. “Chuyến biển ni chỉ được vài chục tạ cá nục dọng thôi”, ông Dũng thở dài.
Kể từ đầu vụ cá Nam, khoảng phân nửa trong số đó, tàu của ông từ “hòa tới thua”. Hỏi nguyên nhân, ông nói gọn rằng, không hiểu sao sản lượng vụ cá này lại giảm đáng kể.
Còn nhớ, đúng ngày này những mùa cá trước, tàu cá của ông liên tục trúng đậm, chí ít cũng hòa vốn. Ông Dũng chia sẻ: “Nghề biển có lúc được lúc mất, nhưng mùa cá này, vươn khơi thua lỗ liên tục khiến nhiều ngư dân gặp khó khăn. Trong những năm trở lại đây, vụ cá năm nay đạt sản lượng thấp nhất”.
Để vươn khơi bám biển, ngay từ đầu vụ, nhiều chủ tàu cá lân la khắp nơi để kiếm tìm bạn tàu. Trong bối cảnh lao động nghề biển ngày càng ít đi, muốn thu hút nhân lực, họ phải ứng trước tiền lương, và có chế độ ăn chia phù hợp.
Thực tế vụ cá này, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ khai thác không hiệu quả khiến bạn tàu dần quay lưng. Ngư dân Nguyễn Thế Cường (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) cho biết: “Trung bình mỗi chuyến đánh bắt tầm khoảng 10-15 ngày, số lượng lạo động trên tàu từ 7 – 10 người. Nếu thuận lợi, đạt hiệu quả, mỗi bạn tàu sẽ có thu nhập từ 4-6 triệu đồng. Nhưng hiện nay, sau nhiều chuyến thua lỗ, có tàu không đủ để chi phí xăng dầu chứ chưa nói đến chuyện chia chác. Trong mấy chuyến vươn khơi trước, có lần mỗi bạn tàu chỉ thu về chưa đến 1 triệu đồng/người sau hơn một tuần lênh đênh trên biển. Với thu nhập như thế, nhiều lao động không mấy mặn mà. Hiện nay, lao động đi biển thường chọn những tàu ăn nên làm ra để đầu quân, do vậy nếu tàu cá vài lần thua lỗ thì kéo theo thiếu hụt bạn tàu”.
Sản lượng vụ cá nam năm nay thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước
Những năm trước, đến chính vụ cá Nam, những thương lái, cơ sở cấp đông thu mua cá làm không hết việc thì năm nay, sản lượng khai thác của các tàu đánh bắt xa bờ giảm sút khiến việc kinh doanh của họ ảnh hưởng đáng kể. “Dựa vào khối lượng thu mua, tôi nhận thấy sản lượng khai thác của các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Chính điều này không chỉ ngư dân thất thu mà những cơ sở kinh doanh cũng giảm sút thu nhập. Ngoài ra, thị trường hải sản thời điểm gần đây biến động theo hướng bất lợi cho ngư dân, giá cá giảm sâu khiến họ khó chồng thêm khó”, ông Nguyễn Văn Thế, Chủ cơ sở thu mua cá Tám Thế (thị trấn Thuận An) nói.
Trợ lực cho ngư dân
Theo thống kê của UBND thị trấn Thuận An, đến thời điểm này của vụ cá Nam, sản lượng khai thác của địa phương này giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước. “Vụ cá Nam là vụ chính của ngư dân trong năm, chiếm hơn một nửa tổng thu nhập của họ. Tuy nhiên, đến bây giờ hiệu quả khai thác chưa được như mong muốn. Do chưa hết vụ nên địa phương vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ, song qua tìm hiểu từ ngư dân, sản lượng khai thác đang giảm sâu. Vụ cá Nam vẫn còn thời gian nên chúng tôi tuyên truyền, động viên ngư dân kiên trì vươn khơi, bám biển”, ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An chia sẻ.
Với ngư dân, việc mất mùa cá kéo theo nhiều hệ lụy, năng suất thấp không chỉ khó thu hút bạn tàu mà chủ tàu cá cũng khó xoay xở được nguồn vốn để đầu tư phương tiện, nâng cấp trang thiết bị, cải hoán tàu cá để tiếp tục vươn khơi bám biển trong những mùa vụ tiếp theo.
Nhiều tàu cá đang nỗ lực bám biển dẫu nhiên liệu và chi phí đang tăng
Do vậy, trong bối cảnh này, ngư dân cần sự trợ lực của các tổ chức, đơn vị để họ có động lực vươn khơi. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho rằng, những chính sách hỗ trợ cho ngư dân đã được Nhà nước quy định, và tại địa phương, chính quyền đang tuyên truyền và hỗ trợ tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi. “Trong thời buổi hiện nay, muốn tăng hiệu quả khai thác, ngư dân phải đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại. Chúng tôi cũng đã có những dự án triển khai thí điểm đầu tư các thiết bị hiện đại như, máy dò cá, dàn đèn, hầm cấp đông… để ngư dân tăng năng lực khai thác”, ông Tùy nói.
Đánh giá về tình hình khai thác tàu đánh bắt xa bờ trong vụ cá Nam, ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thừa nhận, đây là vụ cá đạt hiệu quả không cao so với cùng kì những năm trước. Ông Giang cho rằng, do chi phí tăng cao, sản lượng thấp trong khi giá cả bấp bênh theo nhu cầu thị trường khiến ngư dân gặp khó khăn.
“Trong thời gian đến, để hỗ trợ ngư dân, chúng tôi sẽ tăng cường quan trắc tại các vùng biển, điều tra nguồn lợi hải sản để dự báo ngư trường đánh bắt hiệu quả cho ngư dân. Ngoài ra, phối hợp tuyên truyền, vận động ngư dân hiện đại hóa tàu cá, bổ sung, cải hoán các thiết bị hiện đại để tăng năng lực đánh bắt”, ông Giang nhấn mạnh.
Bài, ảnh: L.Thọ